Hà Nội định cấm xe máy tại các quận sau năm 2025: Có vội vàng?
Hà Nội dự kiến sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3. Tuy vậy, chuyên gia giao thông cảnh báo, việc này đã đúng thời điểm?
Đến năm 2025 dự kiến cấm xe máy
UBND TP Hà Nội có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030.
Theo đó, trong những năm tới thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận.
Đặc biệt, các cơ quan nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố.
Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Cụ thể, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ôtô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai.
Trong đó, Hà Nội cũng sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để tổ chức thực hiện trong thời điểm thích hợp.
Việc hạn chế hoạt động xe máy là một trong những nội dung của Nghị quyết 04 đã được HĐND TP thông qua năm 2017. Với đề xuất mới này, việc dừng xe máy tại các quận được nghiên cứu điều chỉnh sớm hơn 5 năm so với Nghị quyết 04 (mốc thời gian cấm xe máy tại các quận được xác định vào năm 2030).
Đã đúng thời điểm?
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho hay, nếu theo nội dung đề án thì đến năm 2030 chúng ta mới dừng hoạt động xe máy. Tuy nhiên, nghiên cứu điều chỉnh sớm hơn 5 năm về dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố.
“Như vậy việc cấm xe máy vào năm 2025 phải có các biện pháp song hành giải quyết được nhu cầu đi lại cho người dân thì mới có thể cấm được”- TS Phan Lê Bình băn khoăn
Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, hiện nay xe máy đang là phương tiện chủ yếu của người dân tham gia giao thông tại Hà Nội. Chúng ta cần phải đẩy mạnh giao thông công cộng hơn nữa thì may ra người dân sẽ đồng thuận với đề án này.
“Như vậy, nếu cấm xe máy vào năm 2025 thì tuyến nhổn ga Hà Nội đã được khai thác vận hành tại trục hướng Tây của thành phố còn trục Tây Nam thì có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông kèm theo tuyến buýt BRT thì đó chính là trục xương sống về giao thông công cộng. Như vậy, nếu đúng kế hoạch các phương tiện giao thông công cộng sẽ có thể đảm nhận một phần lưu lượng trên hai trục này. Tuy nhiên, tại rất nhiều khu vực khác trên địa bàn thành phố thì chưa nhìn thấy sự phát triển của giao thông công cộng”- TS Phan Lê Bình nói.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết thêm, nếu giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì một số bộ phận sẽ chuyển từ xe máy sang sử dụng ô tô. Dù không phải ai ở Hà Nội cũng có điều kiện để sử dụng ô tô cá nhân.
"Việc cấm xe máy có thể là một cú huých mạnh khiến cho người ta buộc phải nghĩ đến chuyện sử dụng tốt nhất", ông Bình nói.