Sự tuyệt vọng khiến hàng nghìn người Afghanistan mạo hiểm vượt biên mỗi ngày tới Iran
Một giờ đêm tại nhà ga Herat, Pakistan, các xe buýt chật kín người. Phần lớn là những người đàn ông trẻ tuổi, không hành lý, chỉ có chút quần áo trên lưng, cùng với một ít bánh mì và nước chuẩn bị cho con đường dài phía trước.
Con đường dẫn họ đến Iran
Mỗi ngày, những chuyến xe buýt như vậy chở hàng trăm người tới biên giới. Ở đó, họ xuống xe, trao đổi với những kẻ môi giới và tiếp tục hành trình vượt biên của mình. Họ phải đi bộ trong nhiều ngày, đôi khi bị nhồi nhét trong những chiếc xe bán tải băng qua khu đất hoang, đôi khi phải đi bộ qua những ngọn núi nguy hiểm trong bóng tối để có thể trốn tránh lính canh và tuần tra.
Khi đến được Iran, hầu hết họ sẽ ở lại đó để tìm việc làm. Một số người sẽ tiếp tục hành trình tới châu Âu.
Haroun, một thanh niên 20 tuổi chia sẻ khi đang ngồi trên xe buýt: “Chúng tôi sẽ đến châu Âu. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, nền kinh tế ở đây đã quá đổ nát. Ngay cả khi phải mất mạng trên đường chúng tôi cũng phải chấp nhận”.
Người Afghanistan đang tràn qua biên giới Iran với số lượng chóng mặt. Kể từ khi Taliban tiếp quản vào giữa tháng 8, sự sụp đổ kinh tế của Afghanistan đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Hàng triệu người dân bị mất đi việc làm khiến họ không thể nuôi sống gia đình. Theo Hội đồng Người tị nạn Na Uy, trong ba tháng qua, hơn 300.000 người đã vượt biên trái phép vào Iran, con số này sẽ có thể tiếp tục tăng cao đến con số 4.000 – 5.000 người mỗi ngày.
Iran đang phải chật vật với việc đóng cửa biên giới quốc gia của mình. Quốc gia này đã đón hơn 3 triệu người Afghanistan tị nạn trong những thập kỷ hỗn loạn vừa qua. Hiện tại, Iran đang đẩy mạnh trục xuất, đưa 20.000 – 30.000 người Afghanistan trở lại đất nước họ mỗi tuần. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, năm nay, Iran đã trục xuất hơn 1,1 triệu người Afghanistan tính đến ngày 21/11, cao hơn 30% so với tổng số cả năm 2020.
Ở Afghanistan, cuộc di cư đã khiến một số ngôi làng bị xóa sổ hoàn toàn. Jar-e Sawz - một ngôi làng phía Bắc Herat, người đàn ông lớn tuổi là nam giới duy nhất còn lại tại ngôi làng. Tất cả những người đàn ông trẻ tuổi đều đã rời đi.
Một người môi giới giấu tên cho biết trước đây, mỗi tuần cô vận chuyển 50-60 người vào Iran, hầu hết đều là đàn ông độc thân. Kể từ khi Taliban tiếp quản vào tháng 8, cô chuyển khoảng 300 người mỗi tuần, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Cô nói: “Đất nước bị phá hủy nên mọi người phải rời đi”. “Tôi cảm thấy mình đang làm đúng. Nếu một người nghèo nào đó hỏi tôi, tôi không thể từ chối họ. Tôi sẽ cầu xin Chúa giúp tôi để tôi có thể giúp họ”.
Chi phí cho mỗi lần vượt biên là gần 400 đô la một người, nhưng họ sẽ chỉ phải trả trước 16 đô la, phần còn lại sẽ được trả sau khi người di cư tìm được việc làm.
Điều này chứng minh rằng: số người di cư là vô cùng lớn, đến nỗi những kẻ môi giới sẵn sàng chấp nhận rủi ro của việc trả phí sau. Những kẻ môi giới sẽ đút lót lực lượng biên phòng Taliban, Pakistan và Iran để họ nhắm mắt làm ngơ.
Không có lựa chọn
Afghanistan đã từng là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trước khi Taliban tiếp quản. Nền kinh tế của quốc gia này đã bị sa sút nghiêm trọng và trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết do đại dịch Covid-19 và hạn hán nghiêm trọng kể từ cuối năm 2020.
Khi Taliban lên nắm quyền vào ngày 15/8, huyết mạch chính giữ cho nền kinh tế Afghanistan tồn tại là các quỹ tài trợ quốc tế đã bị cắt đứt. Chính quyền Taliban không thể trả lương, hàng trăm nghìn nhân viên nhà nước không còn kế sinh nhai. Nguồn vốn cho các dự án không còn nữa, nhiều công việc đã hoàn toàn biến mất trên thị trường lao động.
Anh Farid Ahmed, 22 tuổi ở Herat chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày anh đều đến quảng trường để được các nhà thầu xây dựng thuê làm việc. Nhưng giờ đây, anh chờ đợi cả ngày cũng không tìm được việc nào”. Vì vậy, tháng trước, sau khi nghe tin từ một người họ hàng nói có một nhà máy dệt may ở Tehran mà vợ chồng anh có thể làm việc, anh đã quyết định đưa vợ và hai con gái nhỏ của mình vượt biên.
Anh kể lại: “cuộc vượt biên là một cơn ác mộng”. Gia đình anh đã phải đi bộ ba giờ trong bóng tối cùng với vài trăm người khác qua biên giới. Trong bóng tối và lạnh lẽo, những đứa con gái của anh không ngừng khóc. Nhưng khi đến Iran, họ ngay lập tức bị cảnh sát bắt và trục xuất. Gia đình anh buộc phải trở lại quê nhà. Không có gì thay đổi, anh lại tiếp tục đến quảng trường nhưng không hề được ai thuê. Một lần nữa, cho dù là một cơn ác mộng, gia đình anh sẽ lại phải mạo hiểm sau mùa đông vì bây giờ quá lạnh để bọn trẻ có thể đi cùng.
Heart - thành phố lớn thứ ba của Afghanistan được xem là con đường vượt biên thuận lợi nhất vì nó chỉ cách biên giới Iran khoảng một giờ lái xe, nhưng biên giới này lại bị tuần tra vô cùng dày đặc.
Những người di cư bắt buộc phải chọn một con đường khác khó khăn và nguy hiểm hơn. Họ sẽ phải bắt đầu một chuyến đi dài 300 dặm (480 km) về phía Nam tới tỉnh Nimrooz, một vùng sa mạc hẻo lánh và thưa dân nhất của Afghanistan. Tại đây, những người di cư có thể đi vào Iran.
Nhưng hành trình này vô cùng gian khổ, ông Reza Rezaie, môt người đã thực hiện chuyến đi vượt biên cùng cậu con trai 17 tuổi của mình chia sẻ: Khi tới biên giới Iran-Pakistan họ phải leo lên và xuống ngọn núi Moshkelghar trên những con đường mòn hẹp dọc theo những đoạn dốc.
Ông nhớ lại: “Trời tối đen như mực và họ không thể bật đèn pin để đảm bảo an toàn. Trên đường đi lên, họ đi từng bước một, mỗi người sẽ cầm chiếc khăn của người đi trước để leo lên.Tương tự lúc đi xuống cũng vậy. Nếu bạn ngã, sẽ chẳng ai có thể giúp bạn vì nếu như vậy, họ cùng sẽ bị ngã”.
Sau khi tới Iran, ông và những người khác phải trốn trong khoang hành lý của một chiếc xe buýt để đi qua các trạm kiểm soát. Ông làm việc tại Iran được một vài tuần sau đó bị bắt trong một cuộc đột kích của cảnh sát và bị trục xuất về quê nhà.
Mặc dù vậy, ông không hề nản lòng, ông ấy sẽ lại mạo hiểm một lần nữa. Bởi: "Tôi có thể làm gì nữa? Ở đây, không có gì cả.” ông tuyệt vọng chia sẻ.