Khơi dòng vốn đầu tư công
Tính đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 nhìn chung đạt thấp, nhiều nơi không đạt kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Sáng ngày 6/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 đã có buổi làm việc để kiểm tra, rà soát khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan: Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 về giải ngân vốn đầu tư công đã họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang.
Các buổi làm việc diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 thành lập 6 Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân tính đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao.
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11, cả nước đã giải ngân được gần 295.000 tỷ đồng, đạt 63,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 69,19%, vốn nước ngoài đạt 21,51%, đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ các bộ, cơ quan phải quyết tâm đạt mức giải ngân cao nhất trong thời gian còn lại của năm 2021; phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; khẩn trương rà soát nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án.
Tại cuộc họp trực tuyến với một số địa phương phía Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các địa phương có tiến độ giải ngân chậm phải làm rõ hơn, đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn để có giải pháp khắc phục. Tính đến ngày 30/11/2021, số vốn giải ngân công kế hoạch năm 2021 của 6 địa phương là 13.740 tỷ đồng, đạt 50,3% so với kế hoạch, thấp hơn bình quân cả nước (60,86%). Trong đó có 2 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch (thành phố Cần Thơ giải ngân 30,1%, Kiên Giang giải ngân 45,2%). Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang có mức giải ngân đạt 74,4% kế hoạch.
Như vậy, tính đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 nhìn chung đạt thấp, nhiều nơi không đạt kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Cũng cần nhắc lại, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là biện pháp quan trọng để phục hồi, phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng cho an sinh xã hội.
Vậy, vì sao giải ngân vốn đầu tư công lại chậm? Nhiều ý kiến cho rằng do các khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục chuẩn bị, tiến hành tổ chức đấu thầu, triển khai dự án; năng lực của nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, chậm giải phóng mặt bằng; vướng mắc liên quan đến các dự án ODA… Đặc biệt, trong năm 2021, đợt bùng phát thứ 4 dịch Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ, giãn cách xã hội kéo dài... nên các dự án khó triển khai, dẫn tới việc dòng vốn đầu tư công bị ùn tắc.
Đó là những lý do có thật, nhưng ngược lại, vấn đề đặt ra là: Trong khó khăn chung ấy vì sao vẫn có địa phương, đơn vị giải ngân tốt? Câu trả lời liên quan trực tiếp tới người đứng đầu địa phương, đơn vị: có thể do năng lực quản trị yếu và cũng có thể do sợ sai, sợ trách nhiệm mà “chùn tay”; mà cũng có thể do cả hai. Chính vì thế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ rõ cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề này.
Khó khăn là khó khăn chung, không thể coi đó là khó khăn của riêng địa phương, đơn vị mình để nguồn vốn rất lớn, rất quý giá “im lìm”. Dư luận mong Chính phủ sẽ mạnh tay với những trường hợp giải ngân quá chậm chạp. Đã đến lúc cần quy rõ người chịu trách nhiệm, không chấp nhận việc đổ lỗi cho khách quan, càng không để tái diễn kiểu công thì của mình, lỗi thì do tập thể.
Chỉ có làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu thì việc mới chạy. Điều đó thiết nghĩ cũng không chỉ trong lĩnh vực đầu tư công.