Biển đảo quê hương trong trái tim kiều bào

NGUYỄN PHƯỢNG 08/12/2021 14:00

Nhiều tư liệu quý được kiều bào sưu tầm, gửi về; những cuộc triển lãm về chủ quyền biển đảo, hay đóng góp cho Quỹ Vì biển đảo quê hương của người Việt xa Tổ quốc không chỉ nói lên tấm lòng của bà con với quê hương, mà còn góp phần thông tin đầy đủ về chính nghĩa Việt Nam trong chủ quyền biển đảo với bạn bè quốc tế. Kiều bào, dù xa quê, nhưng đang đóng góp tích cực vào việc bảo vệ biển đảo quê hương.

Kiều bào chụp ảnh cùng các chiến sĩ hải quân thể hiện tình đoàn kết quân dân.

Mở cuốn sách “Kiều bào với Trường Sa” của nhà văn Hiệu Constant kiều bào ở Pháp, sẽ không thể không bồi hồi, xúc động về những câu chuyện Trường Sa chị kể. Nhà văn Hiệu Constant chia sẻ, chuyến đi thăm Trường Sa hồi năm 2018 cùng đoàn kiều bào từ 24 quốc gia trên thế giới chỉ có 10 ngày thôi mà chị như được sống “hàng chục cuộc đời”, với biết bao cung bậc cảm xúc, vui, buồn, xúc động, sợ hãi. Nhưng lúc nào cũng yêu thương tràn ngập. Thấy mình nhỏ bé hơn, thấy người Việt từ năm châu nhưng có một “mẫu số chung” là đất mẹ Việt Nam… Chắt lọc những suy tư, những kỷ niệm, những cảm xúc khi chứng kiến các chiến sĩ vất vả, cực nhọc ngày đêm canh giữ biển trời quê hương, ba năm sau, chị mới hoàn thành cuốn sách “Kiều bào với Trường Sa”. Chị đã vượt qua thách thức lớn nhất trong mình, là làm sao lột tả được vẻ đẹp kiêu hùng của biển đảo Việt Nam, và sự anh dũng kiên cường của các chiến sĩ hải quân để đưa những hình ảnh, câu chuyện ấy đến với độc giả, kiều bào và bạn bè trên thế giới.

Hiệu Constant chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn kiều bào trên khắp thế giới, đã và đang có những đóng góp vì biển đảo quê hương. Ở Mỹ, kỹ sư hàng không Trần Thắng (bang Connecticut) suốt nhiều năm qua dành công sức, tiền của “săn lùng” những bản đồ cổ liên quan đến biển đảo Việt Nam, trong đó có nhiều bản đồ của các nước châu Á, châu Âu, nhất là của các nhà hàng hải phương Tây. Kỹ sư Trần Thắng huy động nhiều mối quan hệ khác nhau. Anh cũng thường xuyên “dò tìm” trên các trang thông tin về cổ vật, về hàng hải, bản đồ. Kết quả là anh đã có hàng trăm tấm bản đồ cổ. Điều quý giá nhất thu được từ những tấm bản đồ ấy, là có nhiều tư liệu minh chứng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, dù qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, đều được ghi nhận là thuộc về Việt Nam. Những tấm bản đồ của anh trở thành nguồn tư liệu hữu ích trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Kỹ sư Trần Thắng đã công bố nhiều bản đồ và tặng bản đồ cho nhiều cơ quan của Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của kiều bào, đồng thời, để kiều bào tận mắt chứng kiến những gian truân, vất vả, thách thức mà quân, dân Việt Nam phải trải qua trong bảo vệ biển đảo, trừ quãng thời gian bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 8 đoàn kiều bào với gần 600 lượt đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Bà con đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các “đảo nổi, đảo chìm” và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, nâng cao rõ rệt sự gắn bó, tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến nay, kiều bào đã đóng góp cho quần đảo Trường Sa hơn 10 tỷ đồng, trong đó có 1 xuồng chủ quyền trị giá hơn 3 tỷ đồng, hơn 3 tỷ đồng vào Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam và nhiều hiện vật trị giá hàng tỷ đồng. Trong đó, có những trang thiết bị hết sức cần thiết cho cuộc sống ở đảo như máy lọc nước. Sau mỗi chuyến đi, Việt kiều lại đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như thành lập các Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức, Ba Lan, Séc.., Quỹ Vì chủ quyền biển, đảo tại Hàn Quốc, Singapore...; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, xuất bản sách, ảnh về Trường Sa...

Lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời do kiều bào trao tặng các chiến sĩ huyện đảo Trường Sa.

Để tăng cường sự kết nối, để kiều bào khắp năm châu hiểu thêm về chính nghĩa Việt Nam trong đấu tranh vì biển đảo, mới đây Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức toạ đàm “Kiều bào với biển đảo quê hương” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở 30 điểm cầu, gồm Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Nhà báo Etcetera Nguyễn - kiều bào tại Mỹ cho biết, các chuyến đi thăm Trường Sa có ý nghĩa vô cùng lớn đối với công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc vì rằng, không có biện pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng mắt thấy tai nghe trực tiếp. Tại cộng đồng nơi Etcetera sinh sống, có nhiều thông tin trái chiều về Việt Nam, về biển đảo. Ông rất mong muốn được chứng kiến tận mắt thực tế. Sau này, ông đã được đi đến Trường Sa. Chính tại đây, ông đã ghi lại hàng nghìn hình ảnh, viết nhiều bài báo. Ông còn tổ chức triển lãm ảnh về Trường Sa tại Mỹ. Chính những hoạt động này làm cộng đồng người Việt hiểu hơn về tình hình biển đảo Tổ quốc.

Chị Cao Hồng Vinh - kiều bào tại Ba Lan, cũng có một chuyến đi đáng nhớ đến Trường Sa vào năm 2019. Chị cho biết, quá xúc động khi đến Trường Sa, cảm thông với những khó khăn, vất vả của quân dân huyện đảo Trường Sa nơi đầu sóng, ngọn gió, sau chuyến đi, chị đã thành lập Câu lạc bộ Trường Sa, Hoàng Sa ở Ba Lan. Đây chính là cầu nối tình cảm giữa cộng đồng người Việt ở Ba Lan với quân dân Trường Sa, với tình cảm quê hương. Trong hai năm qua, Câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, từ đóng góp ủng hộ, cho đến tuyên truyền, vận động cộng đồng hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Chị Cao Hồng Vinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: “Hai tiếng Trường Sa đối với chúng tôi, những người đã được đến thăm quân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 luôn luôn là hai tiếng thiêng liêng ngay giữa châu Âu. Với ý nghĩa, tình cảm đó, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ Trường Sa, Hoàng Sa là nơi cùng chung tay, chung sức góp một phần nhỏ bé để ủng hộ các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió”. Hiện ở châu Âu, những người từng đến Trường Sa đã lập ra nhóm liên lạc. Các thành viên đều có những hoạt động thường xuyên trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Trước tình cảm của kiều bào với biển đảo, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân Nhân dân Việt Nam kh ẳng định chủ quyền biển đảo là chất kết dính cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhân dân trong nước, tạo nên sự cố kết, đoàn kết toàn dân tộc chung sức, chung lòng hướng về biển đảo Tổ quốc. Ông chia sẻ: “Trong nhiều ngày cùng sống, cùng trải nghiệm với cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo, bà con đều cảm nhận được sự ấm lòng, yên lòng và an lòng: Ấm lòng vì đời sống cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo dần được cải thiện; Yên lòng với thế trận phòng thủ trên đảo, nhà giàn, biển được cải thiện rõ rệt; An lòng với chính sách hậu phương vững chắc”.

Từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 8 đoàn kiều bào với gần 600 lượt đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Bà con đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các “đảo nổi, đảo chìm” và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng từ năm 2012 đến nay, kiều bào đã đóng góp cho quần đảo Trường Sa hơn 10 tỷ đồng, trong đó có 1 xuồng chủ quyền trị giá hơn 3 tỷ đồng, hơn 3 tỷ đồng vào Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam và nhiều hiện vật trị giá hàng tỷ đồng.

NGUYỄN PHƯỢNG