Người đi tìm bí ẩn của lòng đất

PHƯƠNG MAI 06/12/2021 09:00

PGS.TS Hoàng Văn Khoán, một trong những nhà khảo cổ học có uy tín của Việt Nam, cả đời ông đam mê đi tìm những bí ẩn trong lòng đất.

PGS.TS Hoàng Văn Khoán.

Không giữ làm của riêng, mới đây PGS.TS Hoàng Văn Khoán đã trao tặng bộ sưu tập gồm hơn 1.000 tài liệu, hiện vật quý cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Bộ sưu tập không chỉ phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của ông, mà còn là nguồn tư liệu có giá trị cao giúp cho thế hệ trẻ tiếp cận và tiếp tục bước tiếp con đường nghiên cứu của ông…

Trong căn nhà khuất nẻo ở con ngõ nhỏ trên đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có người đàn ông dù gần chạm ngưỡng 90 tuổi vẫn chọn sống một mình ung dung tự tại, dù có 6 người con đều thành đạt. Đó là PGS.TS Hoàng Văn Khoán. Hẹn tôi tới nhà trò chuyện, ông trịnh trọng trong bộ vest tối màu. Căn phòng khách ngăn nắp, hoa hồng vẫn tươi rói vì vừa qua 20/11 ít ngày. Hình ảnh của ông khiến tôi nhớ những lần tới gặp gỡ GS Phan Huy Lê, GS Trần Quốc Vượng, hay các nhà văn Võ Quảng, Phạm Hổ vì chung cảm nhận các vị trí thức ngày trước đều có vẻ đáng kính nhưng thật dễ gần.

PGS.TS Hoàng Văn Khoán chia sẻ: Tôi vốn là giáo viên dạy văn, sử, địa ở trường cấp 2 Nghi Xuân, Hà Tĩnh (1956 - 1960) và trường Sư phạm Sơ cấp Hà Tĩnh (1960-1962). Đến năm 1962, tôi được cử sang Liên Xô học chuyên ngành Khảo cổ học tại Trường ĐH Tổng hợp Kharcov. Về nước (1967), tôi được phân công tác tại bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, và gắn bó ở đây cho đến khi nghỉ hưu, năm 2000.

Hơn 30 năm công tác ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, PGS.TS Hoàng Văn Khoán trở thành một trong những nhà khảo cổ học có uy tín của nước ta. Trong khoa học, ông là người tiên phong nghiên cứu, ứng dụng phương pháp kim tướng học - một ngành khoa học nghiên cứu về tổ chức và cấu trúc của kim loại và hợp kim vào khảo cổ học Việt Nam. Thông qua đó, ông đã phát hiện ra kỹ thuật luyện sắt và chế tạo sắt ở khu luyện sắt Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Rồi khám phá hợp kim đồng thau Việt Nam thời cổ. Ông cũng tìm hiểu kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn. Trước những quan điểm khác nhau về đồ sắt ở Việt Nam, để bảo vệ quan điểm của mình, ông cùng các sinh viên đã thực nghiệm quá trình sản xuất sắt thời cổ ở Nho Lâm (Nghệ An). Ông còn là người đưa ra những giả định được nhiều nhà khoa học chấp nhận về sự xuất hiện gang ở Việt Nam… Những nghiên cứu, phát hiện của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhưng để có được thành tựu ấy, ông nhớ lại: Năm 1963, trước khi được cử đi Liên Xô, chúng tôi được học tập trung 1 năm tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Kết thúc năm học, Bộ Giáo dục xuống đọc danh sách phân ngành học, tôi và 5 người nữa được phân công học ngành khảo cổ. Nghe nhắc tới khảo cổ học, cả hội trường cười ồ lên, thời đó tôi cũng không biết khảo cổ là cái gì cả. Rồi chúng tôi xách vali lên đường đến với Trường ĐH Tổng hợp Kharcov, cách Matxcơva 1.000 km. Kharcov là một thành phố cổ rất giống với Hà Nội, đặc biệt là ga Kharcov với hình ảnh tàu điện leng keng. Một kỷ niệm không bao giờ quên, tôi học tiếng Nga ở trường vào loại xuất sắc, nhưng đến đó họ nói gì tôi cũng không hiểu, vì người vùng Kharcov nói tiếng không thuần Nga, họ nói rất nhanh. Thế rồi họ lại xách vali, đưa chúng tôi lên xe, khi ấy chúng tôi mới biết trường cho người ra đón sinh viên.

Học ở Kharcov, khi viết luận án tốt nghiệp tôi đắn đo, nên chọn đề gì đây. Tôi viết thư về hỏi Viện Khảo cổ, ngày đó GS Phạm Huy Thông làm viện trưởng, GS Thông viết thư động viên tôi hướng vào làm luận án về đồ sắt vì ở Việt Nam chưa có ai nghiên cứu. Tôi trao đổi với thầy giáo người Nga, thầy ra đề luận văn cho tôi làm về “Đồ sắt của các nước phương Đông cổ đại”. Tôi viết chương thứ nhất 27 trang, đưa cho thầy giáo, thầy khen: “Cậu viết hay lắm” và không sửa chữ nào. Tôi phấn khởi viết tiếp 2 chương nữa, lần này thầy có chữa chút ít. Tôi bảo vệ xuất sắc đề tài luận án.

PGS.TS Hoàng Văn Khoán kể tiếp: Sau đó về Việt Nam, tôi được phân công về Bộ môn Khảo cổ của Trường Đại học Tổng hợp. Trường có Bộ môn khảo cổ đứng đầu cả nước. Tôi là Phó Tiến sĩ thứ hai của khoa Sử. Khoa Sử lúc đó có 74 người, trong đó có bộ môn khảo cổ. Các các tên tuổi trong khoa gồm: GS Trần Quốc Vượng, GS Hà Văn Tấn, PGS Diệp Đình Hoa… Như thế, tôi bắt đầu chuyển sang giảng dạy khảo cổ học. Đến năm 1970, tôi lại được cử sang Liên Xô làm Phó Tiến sĩ ở Matxcơva. Thường người ta nói đề tài là tài chở đề. Vấn đề là mình chọn đề tài để làm, chứ không phải làm để lấy cái bằng. Lúc đó, tôi thấy đồ sắt là rất khó nghiên cứu, cần phải tìm ra phương pháp để nghiên cứu. Trong Viện khảo cổ của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô có một giáo sư chuyên làm đồ sắt bằng phương pháp kim tướng học. Đó là ngành khoa học về kim loại, các cấu trúc bên trong ruột của di vật. Hai năm liền tôi đi thu mẫu và 2 năm sau viết luận án, đề tài cũng đạt xuất sắc. Tôi tiếp tục trở lại trường đại học giảng dạy.

Bên cạnh khảo cổ, PGS.TS Hoàng Văn Khoán cũng mở rộng sang nhiều bộ môn khác, ví dụ khi đào khảo cổ thấy có rất nhiều đồng tiền cổ. Trên mặt tiền có viết nhiều chữ Hán, nhưng không ai hiểu. Nhưng đó là tài liệu lịch sử, là khảo cổ, thế nên ông thấy có trách nhiệm phải tìm hiểu nghiên cứu và biến nó thành một môn học để giảng dạy cho sinh viên. “Đồng tiền biểu hiện sự phát triển của đất nước và đời sống của con người. Tiền cổ là một đối tượng nghiên cứu khoa học rất quan trọng. Nó có những giá trị đặc biệt, giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu lịch sử, chính trị tư tưởng, văn hóa nghệ thuật và kinh tế của mỗi triều đại”, ông nói.

Cùng với tiền cổ, ông còn đi sâu vào nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc, ở lĩnh vực nào ông cũng đào sâu, tìm tới bản chất vấn đề và trở thành chuyên gia. Ông là chủ biên của hai công trình có giá trị: Cuốn “Sổ tay tiền cổ kim loại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lưu hành ở Việt Nam từ đầu Công nguyên đến năm 1975” (xuất bản năm 2010) và cuốn “Mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam truyền thống” (xuất bản năm 2019).

Ngoài kiến thức về kim tướng học, kiến trúc điêu khắc hay cổ tiền học thì PGS.TS Hoàng Văn Khoán còn quan tâm đến lĩnh vực khảo cổ học thực nghiệm. Từ mối quan tâm này, ông đã thực nghiệm lại việc đúc lại lưỡi cày đồng Cổ Loa và tiến hành cày thực nghiệm trên nhiều loại ruộng khác nhau. Kết quả thực nghiệm chứng minh hoàn toàn chắc chắn công dụng của loại hình hiện vật mà trước đó các nhà khảo cổ học còn đang lúng túng không biết gọi là lưỡi cày hay lưỡi cuốc. Cũng từ kết quả này, PGS Hoàng Văn Khoán khẳng định ở Việt Nam đã xuất hiện nông nghiệp cày có lưỡi bằng kim loại và sức kéo bằng động vật.

Bên cạnh việc nghiên cứu trên, PGS.TS Hoàng Văn Khoán còn có đóng góp trong lĩnh vực khảo cổ học lịch sử. Cuốn sách “Cổ Loa - trung tâm hội tụ văn minh sông Hồng” (xuất bản năm 2002) do ông chủ biên đã xác định vị thế quan trọng của Cổ Loa trong quá trình hình thành nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương.

Không giữ làm của riêng, mới đây PGS.TS Hoàng Văn Khoán đã trao tặng bộ sưu tập của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Với hơn 1.000 tài liệu, hiện vật quý, trong đó có nhiều bản thảo bài viết, bản thảo sách, giáo án và những hiện vật gắn liền với quá trình nghiên cứu khoa học, giảng dạy của ông. Các mẫu tiền cổ, mẫu đá, rìu đá, bộ sưu tập xương cá, xương đầu rùa... Bộ sưu tập tài liệu hiện vật đã góp phần bổ sung tư liệu về ngành Khảo cổ học trong Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ông đưa ra lời khuyên với các nhà khoa học trẻ: Làm khoa học là chọn cái người ta chưa biết, chưa hiểu chứ không phải làm cái mà người ta đã biết, đã hiểu.

Cũng như nghiên cứu, trong cuộc sống PGS.TS Hoàng Văn Khoán không ưa ồn ào và chọn cách sống độc lập. “Tính tôi thích suy tư. Con gái tôi ở nhà kề bên thôi, các con trai cũng chọn sống gần tôi, nhưng tôi muốn con cái ở riêng vì chúng đều có gia đình. Tôi nói với các con, khi nào ba không tự túc được mới nhờ đến các con”, ông nói.

“65 năm theo đi dạy học cho đến bây giờ, trong quãng thời gian đó có lúc thăng, có lúc trầm nhưng tôi vẫn nguyện “giữ tấm lòng son”- đó là câu tôi luôn tâm niệm. Nghĩa là đối với sự nghiệp, với bầu bạn tôi vẫn luôn giữ một tấm lòng thủy chung”, PGS.TS Hoàng Văn Khoán nhắn nhủ.

PHƯƠNG MAI