Buôn lậu lại nóng
Theo cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả sẽ gia tăng vào dịp cuối năm và nhất là trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Càng ngày vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả... càng có nhiều “chiêu thức” tinh vi.
Hàng loạt vụ vi phạm bị phát hiện
Mới đây, ngày 30/11/2021 Đội QLTT số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương) khi chủ trì phối hợp với Công an huyện Thanh Miện kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh, gia công hàng may mặc Gia Hưng do bà Nguyễn Thị Thu làm chủ tại thôn Văn Xá, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã phát hiện, cơ sở đang sử dụng máy may gia công áo khoác nam có gắn nhãn hiệu Adidas và logo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hàng hóa là 1.713 chiếc áo khoác nam thành phẩm hoàn chỉnh mang dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, 05 chiếc máy may và một số nguyên liệu, bán thành phẩm được sử dụng để gia công hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được các tài liệu liên quan đến quyền sử dụng các nhãn hiệu nêu trên để gắn lên các sản phẩm áo khoác được sản xuất tại cơ sở.
Thường hàng giả hàng nhái, buôn lậu diễn ra ở vùng biên nhưng nay hàng giả, hàng nhái được sản xuất tinh vi ngay trong thị trường nội địa. Hiện trạng này diễn ra ở nhiều địa phương. Cụ thể ngày 11/11 vừa qua, Cục Nghiệp vụ QLTT (Bộ Công thương) phối hợp với Cục QLTT Hà Nội, Bắc Ninh kiểm tra xưởng sản xuất, kho chứa hàng hoá tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) và phường Phù Lưu, TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) phát hiện gần 30.000 lọ sa tế tôm giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát”.
Trước đó, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại tổ 16 Tứ Liên (quận Tây Hồ) đã phát hiện 1.462 kg thực phẩm đóng gói gồm lườn vịt xông khói, cánh gà, trứng non, nầm, tràng lợn không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức, hiện các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả đang lợi dụng mạng xã hội facebook, zalo... để rao bán, tiêu thụ mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu. Đáng lo ngại hơn, trong thời gian chống Covid-19 đã xuất hiện phương thức mới trong việc vận chuyển hàng lậu là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm…
Liên quan đến phòng, chống vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, mới đây Tổng cục Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công 2 chuyên án lớn do Cục Hải quan TP Hà Nội chủ trì, bắt giữ 16 đối tượng, thu giữ 127,5 kg ma túy tổng hợp; và chuyên án do Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy C04 (Bộ Công an) xác lập, phối hợp với Công an TP HCM bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ khoảng 280,85 kg Ketamine được cất giấu trong các máy mô tơ điện và trong các thùng xốp chứa dạ dày và lòng lợn đông lạnh để chuẩn bị vận chuyển đi Trung Quốc tiêu thụ.
Chủ động phương án đấu tranh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ký ban hành Kế hoạch 119/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, giao Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán; Đồng thời, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa... Xây dựng phương án tổ chức và tăng cường lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa.
Tại thời điểm này, Tổng cục QLTT đã mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, thời gian thực hiện đợt cao điểm từ ngày 1/12/2021 - 15/2/2022.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ xuất xứ; nhất là các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, rượu, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng... Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc khi dịch bệnh bùng phát, đối với các mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, sẽ tổng kiểm tra tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh. Ngoài ra, lực lượng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hóa cao như thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong thời gian tới vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các mặt hàng trọng điểm chủ yếu là hàng tiêu dùng, hàng có thuế suất cao, hàng quản lý chuyên ngành, kiểm tra về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản, thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch... phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Đặc biệt, việc lợi dụng đặc thù của dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào sâu trong nội địa sẽ gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
Luật sư Tô Hà Dũng, Đoàn Luật sư Hà Nội: Có biện pháp phù hợp xử lý đối tượng buôn lậu
Nếu trước đây các đối tượng lợi dụng đường mòn, lối mở biên giới để mang vác hàng hóa trái phép thì nay đã chuyển sang buôn lậu với hình thức nhập khẩu qua cửa khẩu, cảng biển để gian lận về số lượng, chủng loại hàng hóa; cất giấu hàng hóa trong các container để nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam. Sử dụng CMND, hộ chiếu… trôi nổi, thất lạc của người khác để thành lập nhiều doanh nghiệp nhằm mục đích buôn lậu.
Sau một thời gian hoạt động, doanh nghiệp sẽ ra thông báo phá sản để trốn tránh nghĩa vụ thuế hoặc trách nhiệm pháp lý. Khi xem xét một hành vi vi phạm pháp luật thì luật sư sẽ tiếp cận theo hướng cấu thành vi phạm. Đó là chủ thể vi phạm (đối tượng nào có khả năng thực hiện hành vi đó); Đối tượng chịu tác động của hành vi vi phạm ví dụ như quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, sự canh tranh lành mạnh của các thực thể kinh doanh khác... ; Yếu tố “lỗi”: có thể có người buôn lậu mà không biết, và không hiểu mình đang buôn lậu đây chính là lỗi vô ý; Hậu quả của hành vi làm thiệt hại tới các doanh nghiệp khác, người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe và cuối cùng là hậu quả để xem xét mức độ vi phạm và hướng áp dụng chế tài.
Do vậy để giảm thiểu hoạt động buôn lậu thì phải tác động vào những vấn đề trên theo 3 biện pháp: kỹ thuật, truyền thông, pháp lý. Với mỗi vấn đề sẽ có biện pháp phù hợp.
Chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đường biên, hải quan
Việt Nam có đường biên giới trên bộ rất dài, tiếp giáp 3 nước, đường biên giới trên biển cũng rất dài - môi trường thuận lợi cho hoạt động buôn lậu diễn ra. Trên bộ biên giới nước ta chủ yếu là địa hình rừng núi hiểm trở, trải rộng; các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại (phương tiện phân khối lớn, điện thoại, camera …) theo dõi 24/24 giờ hoạt động của cơ quan hải quan. Một số đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống đối, chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi. Người dân khu vực biên giới đời sống kinh tế thấp, không có việc làm ổn định, dân trí không cao nên dễ bị các đối tượng lợi dụng thuê mướn vận chuyển hàng hóa nhập lậu.
Về biện pháp phòng ngừa và chống buôn lậu, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đường biên, kiểm soát hải quan, đảm bảo quân số trực 24/24 giờ tại các cửa khẩu, các tuyến đường biên trọng điểm. Việc kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, không gây cản trở việc lưu thông hàng hóa, phiền hà cho hành khách nhập cảnh về quê ăn Tết.
Ngành Hải quan, biên phòng, lực lượng cảnh sát kinh tế cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu, các đường mòn, lối mở, bến đò dân sinh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, đảm bảo kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Phát huy hiệu quả công tác kiểm tra qua máy soi hành lý, sử dụng chó nghiệp vụ và các thiết bị kiểm tra hàng hóa chuyên dụng.
T.Hằng (ghi)