Chặn ‘cao điểm’ buôn lậu thời điểm cuối năm
Tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, các hoạt động thương mại được nối lại. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng lên, hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng cũng nóng hơn.
PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) về vấn đề này.
PV: Ông có thể chia sẻ về tình hình chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái trong thời gian vừa qua?
Cục trưởng Nguyễn Hùng Anh: Cuối năm, hoạt động buôn lậu các loại hàng hóa trên các tuyến biên giới, cửa khẩu và đường biển có chiều hướng gia tăng gây ra không ít khó khăn cho lực lượng hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 24/11/2021, đã phát hiện bắt giữ 13.092 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.553 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 12.652 vụ, thu ngân sách nhà nước đạt 276,980 tỷ đồng; khởi tố 28 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 155 vụ.
Đáng chú ý do tình hình Covid-19 trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc và các loại trang thiết bị y tế sử dụng trong việc phòng, chống dịch tăng, một số đối tượng đã nhập lậu, quảng cáo và giao bán công khai trên các trang thông tin điện tử nhiều loại thuốc điều trị bệnh Covid-19, bộ test thử và các loại thiết bị y tế với nguồn gốc là “hàng xách tay”.
Các cơ quan chức năng đã xác minh, điều tra, bắt giữ nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển các loại hàng hóa này trong thị trường nội địa. Những loại thuốc nhập lậu không có nguồn gốc hợp pháp, xuất xứ rõ ràng hoặc chưa được các cơ quan chức năng trong nước kiểm tra, cấp phép. Điều này dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân và ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng, chống dịch của Chính phủ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên việc buôn lậu các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 tăng, thưa ông?
- Như đã nói, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc và các loại trang thiết bị y tế sử dụng trong việc phòng, chống dịch tăng cao. Một số đối tượng đã tổ chức nhập lậu, quảng cáo và rao bán công khai trên các trang thông tin điện tử nhiều loại thuốc điều trị bệnh Covid-19, bộ test thử và các loại thiết bị y tế với nguồn gốc là “hàng xách tay”.
Trước tình hình đó, lực lượng hải quan tăng cường công tác thu thập xử lý thông tin, xác định trọng điểm, kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19… qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh. Tăng cường phối hợp với công an, quản lý thị trường trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm. Hải quan cũng đặc biệt chú ý kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp cố tình khai sai tên hàng, khai báo là hàng mẫu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để buôn lậu thuốc, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19. Các cá nhân lợi dụng loại hình hàng quà tặng, quà biếu, hàng giá trị thấp qua đường bưu chính quốc tế nhưng kiểm tra là tân dược, thuốc kháng Covid-19.
Hình thức tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan có liên quan đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại không, thưa ông?
- Đúng vậy, việc buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn phức tạp. Một số vụ việc vi phạm với thủ đoạn tái xuất không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai, khai báo không đúng tên hàng, số lượng, trọng lượng chủng loại hàng hóa. Một số lô hàng là hàng cấm nhập khẩu, hàng đã qua sử dụng, rác thải công nghiệp, hàng thực phẩm đông lạnh… có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bị thẩm lậu vào nội địa, gây mất an toàn cộng đồng. Điển hình, thực hiện kế hoạch kiểm soát hàng kinh doanh, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan có rủi ro cao, qua kiểm tra 73 container của 4 doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan, sau đó tái xuất qua các cửa khẩu biên giới đã phát hiện 71/73 container là container rỗng (không chứa hàng hóa) và chỉ 1 container là còn đầy đủ, 1 container hàng chỉ còn 2 tấn hàng.
Cuối năm là cao điểm của buôn lậu, hàng giả. Vậy biện pháp nào sẽ hiệu quả trong công tác chống buôn lậu?
- Trước, trong và sau Tết thường là thời gian cao điểm mà các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại và tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường giám sát với hàng hóa gửi kho ngoại quan, hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan trong thời gian hàng hóa lưu giữ, lưu kho, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải… nhằm tránh xảy ra hành vi gian lận. Đặc biệt trong thời gian hàng hóa lưu giữ tại kho, bãi của doanh nghiệp và kho ngoại quan tại cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập và trong thời gian chia nhỏ container để vận chuyển sang nước nhập khẩu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lợi dụng để đánh tráo hàng hóa, thay đổi nhãn, mác, xuất xứ hàng hóa…
Ngoài ra, các đơn vị cũng sẽ tập trung tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng... và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như: thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm... và hàng cấm như ma túy, pháo nổ.
Trân trọng cảm ơn ông!