Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất: 'Con đường văn hóa mới cho nước nhà'

NGUYỄN HUY THẮNG 26/11/2021 09:00

Trên Tiên phong số 2, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc ra ngày 1/12/1945, có bài Hội nghị Văn hóa toàn quốc và nền độc lập Việt Nam. Trước đó, người ta đã đôi ba lần được nghe nói đến mấy chữ “Hội nghị Văn hóa toàn quốc”, nhưng đây là lần đầu tiên có bài nói rõ về sự kiện đang được xúc tiến này.

Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tháng 11 năm 1946. Ảnh tư liệu.

Sau khi phân tích sự cần thiết cũng như các yêu cầu đặt ra của hội nghị, bài viết nhấn mạnh: “Chúng ta rất nóng lòng mong mỏi Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ nhóm họp nay mai ở kinh đô Hà Nội với tất cả những đại biểu xứng đáng của các giới trí thức Việt Nam, trong một bầu không khí sôi nổi tinh thần cứu quốc, gây nên một thanh thế vang dội ở trong và ngoài nước”. Đồng thời, tác giả cũng giải nghĩa rõ khái niệm “trí thức”: “không phải chỉ riêng những người có bằng cấp mà để chỉ chung tất cả những người có năng lực về hoạt động tinh thần”.

Số báo sau, ra ngày 16/12/1945, lại đăng tiếp bài Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ tổ chức như thế nào? Theo như hình dung của người viết, “Tổng số đại biểu, vì những điều kiện vật chất bó buộc, không thể quá 300 người”, và “Hội nghị sẽ phải họp chừng mười buổi và có lẽ sẽ phải kéo dài đến nửa tháng” (!).

Nghĩa là, sự đòi hỏi của hội nghị là rất cấp bách, và những người lo việc tổ chức, cũng tỏ ra rất riết róng, và cả tham vọng nữa, trong việc chuẩn bị hội nghị.

Sau Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 do Hồ Chủ tịch ký với đại diện Pháp Sainteny, tình hình đã bớt căng thẳng. Ngày 24/3, Ủy ban Vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc ra lời “Hiệu triệu các nhà văn hóa Việt Nam”, trong có câu: “Việc triệu tập Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một dịp nêu cao tinh thần đoàn kết giành độc lập hoàn toàn và tỏ cho thế giới thấy rõ trình độ và năng lực của dân tộc Việt Nam đang trỗi dậy”. Đồng thời, Ủy ban Vận động cũng xác định Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 1/8/1946, cũng là “ngày kỷ niệm chống chiến tranh đế quốc” (kỷ niệm ngày mở đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, 1/8/1914).

Với những mục tiêu và chương trình cụ thể đã đề ra, với tất cả sự nỗ lực của Ủy ban Vận động nói riêng và Hội Văn hóa cứu quốc nói chung, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất phải đến cuối tháng 11 mới được tổ chức, khi tình hình đã hết sức căng thẳng, nguy cơ chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Dự kiến, Hội nghị sẽ khai mạc ngày 24/11 và kéo dài trong một tuần, đến ngày 1/12. Để chuẩn bị cho Đại hội đương nhiên có rất nhiều việc phải lo, như tổ chức cho đại biểu cả nước về dự, trong đó có Nam Bộ đang kháng chiến, Trung Bộ chiến tranh đang lan rộng... Tuy nhiên, Ban tổ chức không quên một việc quan trọng là chương trình văn nghệ. Đó sẽ là vở diễn “Lôi Vũ” của nhà viết kịch Tào Ngu, qua bản dịch của Đặng Thai Mai. Chính trong những ngày căng thẳng ấy, việc dàn dựng vở kịch vẫn được gấp rút chuẩn bị để phục vụ hội nghị.

Hôm sau, 20/11, thực dân Pháp bội ước, gây hấn ở Hải Phòng, Lạng Sơn.

Bốn ngày sau nữa, Hội nghị Văn hóa toàn quốc long trọng khai mạc ở Hà Nội, theo đúng chương trình.

Tuy nhiên, do tình hình khẩn trương, Hội nghị chỉ diễn ra trong một ngày. Sau đây là tường thuật của phóng viên, đăng trên Tiên phong số 24, ra ngày 1/12/1946, chưa đầy ba tuần trước Toàn quốc kháng chiến:

“Hội nghị khai mạc lúc chín giờ sáng tại Nhà hát Lớn. Có mặt gần hai trăm đại biểu Bắc, Trung, Nam... Ngoài các đại biểu văn nghệ, có mặt đông đủ đại biểu các ngành văn hóa khác, khoa học, triết học như các ông: Hồ Hữu Tường, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên... Thật là xứng đáng một cuộc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhất là khi Hồ Chủ tịch bước lên đọc diễn văn khai mạc. Bằng một giọng thân mật, Cụ chúc hội nghị thành công, chuyển lại lời của Hội nghị Văn hóa toàn quốc Pháp chào thân ái các nhà văn hóa nước ta. Cụ đã tỏ ra rất thiết tha với văn hóa, trong khi nhắc lại ảnh hưởng của hai nền văn hóa Trung Hoa và Âu Tây ở nước ta và vạch một con đường văn hóa mới cho nước nhà.

Tiếp lời Cụ có bài diễn văn của ông Đào Duy Anh trong ban vận động. Và sau đấy thì Hội nghị được một cái tin bất ngờ: chỉ họp trong một ngày hôm nay thôi. Cái chương trình rộng lớn trong bảy ngày đành phải gác lại. Còn chỉ một buổi chiều nữa thì bế mạc, thì giờ chỉ đủ cho các đại biểu đi đặt vòng hoa trước đài chiến sĩ trận vong, duyệt các điện văn gửi đi và bầu một Ủy ban Văn hóa toàn quốc. Ủy ban này đã bầu xong buổi chiều để tiếp tục công việc vận động văn hóa và chờ dịp triệu tập một hội nghị thứ hai.

Trong tình thế nghiêm trọng, Hội nghị không thể làm xong công việc, chỉ còn mong vào sự hăng hái của Ủy ban vừa bầu lên và sự cố gắng của toàn thể các nhà văn hóa khắp nơi để xây dựng một mặt trận văn hóa vững chắc”.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, với tất cả sự chuẩn bị công phu và tâm huyết của Ban tổ chức, thực tế đã diễn ra như vậy. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có sự nuối tiếc của một người trong cuộc, như ông đã ghi trong nhật ký ngày 26/11/1946. Bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng là Phó Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc.

Tâm trạng của một số đại biểu, trong đó có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là điều có thể hiểu được. Là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, các ông đã trông mong, kì vọng biết bao vào Hội nghị, một sự kiện có tính biểu dương, khẳng định nền văn hóa mới dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đồng thời những mong thông qua Hội nghị thâu nhận được những ý kiến đóng góp của đại diện các vùng miền, tỉnh thành trong cả nước, đặng cùng nhau chung sức xây dựng, triển khai các nội dung cụ thể, thiết thực của hoạt động văn hóa góp phần vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc!

Dẫu sao, dù chỉ diễn ra trong một ngày, trong một bối cảnh hết sức dồn dập, khẩn trương, nhưng với sự hiện diện của các gương mặt trí thức hàng đầu trong cả nước, đặc biệt với sự quan tâm trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đích thân đọc diễn văn khai mạc - Hội nghị đã gây được tiếng vang lớn, làm nức lòng người Việt Nam thiết tha với văn hóa dân tộc, và thực sự đã “vạch một con đường văn hóa mới cho nước nhà”, như Hồ Chủ tịch đã căn dặn. Giờ đây, sau đúng ba phần tư thế kỉ, việc kỉ niệm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất không chỉ là sự tôn vinh một sự kiện lịch sử của đất nước, mà còn mang ý nghĩa của sự kế thừa, tiếp nối hành trình đi tới của văn hóa nước nhà, với những giá trị được kế thừa và nhiều bài học được rút ra…

NGUYỄN HUY THẮNG