Bảo đảm điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS
Trong 10 tháng đầu năm 2021, dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng so với 10 tháng đầu năm 2020 tại nhiều địa phương. Bộ Y tế, với vai trò Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn này.
Cụ thể dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc đầu tư nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS; nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng có thời điểm bị gián đoạn; nhiều cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho người bệnh…
Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định rằng, HIV tiếp tục là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu lớn. Đến nay, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 34,7 triệu người. Để đạt được các mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 95% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 95% người nhiễm HIV kiểm soát được tải lượng virus ở ngưỡng thấp, không có nguy cơ lây lan) toàn cầu mới do UNAIDS đề ra. Theo đó, các quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để tránh gia tăng các ca nhiễm HIV do gián đoạn dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong Covid-19.
Tại Việt Nam, theo báo cáo từ các địa phương, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 10 tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới công tác phòng, chống HIV/AIDS, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đó là xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như: Xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo của diễn biến dịch Covid-19 để bảo đảm người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị.
Về phía người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, cần được điều trị liên tục và an toàn bằng thuốc Metha-done, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở y tế bị phong tỏa, người bệnh bị cách ly do dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các đơn vị chức năng đã vận động các địa phương, cơ sở y tế hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch Covid-19; mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; cấp phát Methadone nhiều ngày, điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã, cấp thuốc ARV nhiều ngày cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Đồng thời vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, bảo đảm cho người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế một cách liên tục; nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Đặc biệt đã tăng cường các hoạt động phòng, chống hiv/aids khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc...), người nổi tiếng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống hiv/aids; kêu gọi các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm hiv tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân tháng hành động phòng chống HIV/AIDS…