Vaccine Covid-19 với người nhiễm HIV

G.B. 09/12/2021 15:00

Thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế: Vaccine Covid-19 an toàn cho mọi người nói chung, người có H và người uống PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV) nói riêng. Không có sự khác nhau về tính an toàn của vaccine giữa người không nhiễm HIV so với người có H hoặc với người sử dụng PrEP. Vì vậy, người nhiễm HIV có thể yên tâm tiêm phòng vaccine Covid-19.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Có 10 câu hỏi thường gặp về vaccine Covid-19 với người nhiễm HIV. Trong đó, câu hỏi được quan tâm là: Nguy cơ nhiễm Covid-19 với người có HIV và người sử dụng PrEP thế nào? Các dữ liệu hiện có cho thấy, người sống chung với HIV (người có HIV - người nhiễm HIV) đang điều trị ARV hiệu quả có nguy cơ mắc Covid-19 tương tự như người không nhiễm HIV. Nguy cơ mắc Covid-19 cũng tương tự đối với người sử dụng PrEP và người không sử dụng PrEP. Người cao tuổi và người ở mọi độ tuổi có các bệnh nền nghiêm trọng có nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu mắc Covid-19. Người có H có nguy cơ bị bệnh nặng trong những trường hợp như có tế bào CD4 (hệ thống miễn dịch) thấp, hoặc không điều trị ARV.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng: Vaccine Covid-19 an toàn cho mọi người nói chung, người có H và người uống PrEP nói riêng. Không có sự khác nhau về tính an toàn của vaccine giữa người không nhiễm HIV so với người có H hoặc với người sử dụng PrEP.

Vaccine Covid-19 không thể làm tình trạng HIV của bạn nặng lên hay xấu đi. Điều lớn nhất ảnh hưởng đến tình trạng HIV là khi bạn ngừng uống thuốc ARV, làm cho HIV nhân lên gây suy yếu hệ miễn dịch. Vaccine giúp bảo vệ bạn khỏi Covid-19 và duy trì sức khỏe của bạn. Các nghiên cứu trên toàn thế giới cho thấy vaccine Covid-19 mang đến lợi ích cho người có H tương tự như đối với tất cả các cá nhân và cộng đồng - dự phòng bệnh nặng do SARS-CoV-2 và giảm lây truyền virus. Vaccine có hiệu quả tốt nhất đối với người có H đang điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện và số lượng tế bào CD4 cao. Người sử dụng PrEP có lợi ích tương tự như cộng đồng người dân nói chung khi tiêm vaccine.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng khuyến cáo, không làm bất cứ việc nào dưới đây với mục đích dự phòng hoặc điều trị Covid-19: Thay đổi phác đồ điều trị ARV hoặc phác đồ PrEP đang sử dụng; Uống thuốc PrEP chỉ để dự phòng hoặc điều trị Covid-19; Chia thuốc ARV/PrEP cho người khác. Cách tốt nhất để dự phòng Covid-19 cho người có H hoặc người sử dụng PrEP cũng như tất cả mọi người là tiêm vaccine.

Không ngừng thuốc ARV hoặc thuốc PrEP trước, trong hoặc sau tiêm vaccine Covid-19. Các loại vaccine Covid-19 đã được cấp phép không có tương tác với thuốc HIV và ngược lại. Nếu ngừng uống thuốc điều trị HIV, bạn có thể gặp nhiều rủi ro vì mắc các bệnh liên quan đến HIV hơn và có nguy cơ cao bị mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn. Người sử dụng PrEP cần duy trì uống thuốc PrEP không bị lây nhiễm HIV…

Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Ngọc - Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai thông tin, đối với những người nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 thấp và người nhiễm HIV nhưng chưa điều trị bằng thuốc ARV thì khi bị nhiễm Covid-19, nguy cơ bệnh sẽ nặng hơn so với những người có số lượng tế bào CD4 cao và những người tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV tốt.

Để phòng tránh lây nhiễm Covid-19 cho bệnh nhân nhiễm HIV, người nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sĩ. Thực hiện kiểm tra sức khỏe và tuân thủ điều trị như: Uống thuốc đúng liều, đúng giờ, xây dựng kế hoạch chăm sóc bản thân nếu phải ở nhà trong một vài tuần. Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám, điều trị HIV để được tư vấn, hướng dẫn. Nếu có các bệnh mạn tính khác đi kèm thì cần phải khám, uống thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, nên duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng như ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngủ ít nhất 8 giờ/ngày, giảm căng thẳng, luyện tập thể dục đều đặn…

Bên cạnh đó, người nhiễm HIV cũng cần tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế…

G.B.