Rap Việt và câu chuyện ‘nhập gia tuỳ tục’
Từ khi du nhập vào Việt Nam, nhạc Rap đã tạo nên những trào lưu trong cộng đồng giới trẻ. Nhưng với cách sử dụng ngôn ngữ “thoáng”, nhiều ca khúc đã đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Vượt ngưỡng an toàn
Với sự ra đời của các cuộc thi như Rap Việt và King Of Rap…, thời gian qua, nhạc Rap đã tạo được sự bùng nổ trong cộng đồng giới trẻ. Các cuộc thi đã là “bàn đạp” cho nhiều nghệ sĩ trẻ có cơ hội toả sáng.
Mới đây nhất, ca khúc “Nam quốc sơn hà” do ca sĩ Erik và Phương Mỹ Chi thể hiện, phần lời do DTAP, Hành Or, RTee viết, biểu diễn tại chương trình The Heroes đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng nghe nhạc.
Ca khúc dựa trên nội dung của bài thơ “Nam quốc sơn hà” nhưng cũng không thiếu tính thời sự với những câu Rap lay động người nghe khi lan tỏa được niềm tự hào dân tộc. Hay nhắc đến Rapper Đen Vâu là khán giả nhớ đến những ca khúc, ngôn từ về lịch sử, sinh học và những thông điệp về nhân văn, sự tử tế.
Tuy nhiên, là một dòng nhạc có cách sử dụng ngôn ngữ khá dễ dãi nên những năm gần đây nhiều ca khúc Rap có nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục đã ra đời. Đơn cử như ca khúc “Mẩy thật mẩy” của Big Daddy, “Censored” của Chị Cả hay “Cypher nhà làm” của nhóm Rap Nhà Làm.
Trong đó, gây tranh cãi dữ dội hơn cả là bài “Thích Ca Mâu Chí” đăng trên kênh của nhóm Rap Nhà Làm. Bản Rap sử dụng một sự tích và chế lại theo nghĩa phản cảm.
Cũng vì ca khúc mà các thành viên trong nhóm Rap Nhà Làm đã phải tới trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để sám hối và xin tha thứ. Hay tác giả Bình Gold với hàng loạt ca khúc về chủ đề ăn chơi, câu từ táo bạo như “Bốc bát họ”, “Ông bà già tao lo hết”, “Lái máy bay”...
Nhìn nhận về vấn đề này, TS ngôn ngữ học Đoàn Tiến Lực cho rằng, Rap là thể loại âm nhạc rất độc đáo, là món ăn tinh thần hấp dẫn cho công chúng. Giá trị của Rap nằm ở tính nghệ thuật, giai điệu kết hợp với các yếu tố cốt lõi như thông điệp và năng lượng truyền tải đến công chúng. Từ đó, mở ra biên độ để Rap phát triển phong phú thành nhiều trường phái khác nhau, không chỉ là mạnh bạo, thô tục.
Cũng theo TS Lực, Rap vào Việt Nam cần đặt để làm sao cho phù hợp với văn hoá và thị hiếu của khán giả. Chủ thể nghệ thuật nên có những cởi mở sáng tạo hơn thay vì bó hẹp tư tưởng về Rap chỉ ở một đặc trưng nhất định. Đồng thời thiết chế để giữ gìn văn hoá thực sự rất quan trọng.
Những tác phẩm Rap hay và có giá trị ngôn từ sâu sắc xứng đáng được lan toả và ngược lại. Rapper và người chơi nhạc cần chịu trách nhiệm pháp lý trước những tác phẩm có ngôn từ phản cảm và thô tục.
Định hình cho dòng nhạc
Với môi trường nghệ thuật ngày một phát triển và hội nhập, không thể phủ nhận Rap Việt đang có sức ảnh hưởng đến cộng đồng giới trẻ. Thậm chí, trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều dự án âm nhạc “đóng băng” thì Rap lại đang nổi lên như một “cứu cánh” cho âm nhạc Việt. Nhưng để loại hình âm nhạc này đi đúng quỹ đạo, “nhập gia tuỳ tục” đáp ứng các yếu tố văn hoá Việt là một câu chuyện dài.
Hoạt động nhiều năm trong cộng đồng Rap Việt, Rapper DVD cho rằng, Rap là một phần của hiphop và xuất phát từ đường phố không phải từ học viện hay những nơi cao sang. Chính vì vậy nó gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của mọi người. Nhưng không phải vì vậy mà khẳng định nhạc Rap là phải mạnh bạo, thô tục. Quan điểm này hoàn toàn sai. Có thể gọi đó là một phần đặc trưng của Rap.
Rapper DVD cũng phân tích, nhạc Rap có rất nhiều thể loại và công chúng của Rap cũng có những sự phân vùng cụ thể. Các Rapper có những sản phẩm riêng “trong nhà” và những sản phẩm dành cho tất cả công chúng.
Trong cộng đồng có sự trộn lẫn giữa âm nhạc chính thống và không chính thống nên không thể tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Chính vì vậy bản thân người chơi Rap cần định hình bản thân bởi hiện nay thể loại này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng.
“Các nghệ sĩ Rap quen sử dụng những ngôn ngữ biểu đạt của chính họ. Họ không cố làm cho Rap thô tục hơn. Để có một sản phẩm hay, chân thật và nhiều xúc cảm thì các bạn Rapper phải viết theo sở thích, theo lối sống của chính các bạn” - Rapper DVD bày tỏ.
Còn dưới góc độ một người sáng tác, nhạc sĩ Tú Dưa cho rằng, vốn từ ngữ của tiếng Việt phong phú, do đó không nhất thiết phải dùng những từ ngữ dung tục để nói về một vấn đề nào đó.
“Ai cũng muốn thể hiện cái tôi và tôi không khắt khe với việc đó. Nhưng tôi nghĩ cần có ý thức vì người làm văn hóa không thể thiếu phông văn hóa được. Các nền tảng cần có sự kiểm duyệt gắt gao hơn bởi điều đó rất quan trọng. Con tôi cũng đang ở độ tuổi tiểu học, hay vào YouTube, TikTok và nghe trộm những lúc tôi không để ý. Trẻ con chưa đầy đủ nhận thức nên dễ học theo những ca từ không hay. Đôi khi con học theo và nói những điều chưa được phép nói ở độ tuổi đó. Đây là một bất cập, do đó tôi nghĩ rất cần sự kiểm duyệt” - nhạc sĩ nói.
Nhiều nhạc sĩ cũng khẳng định rằng, để tìm được hướng đi đúng cho Rap Việt, nghệ sĩ Rap chân chính phải luôn nỗ lực để vừa có những sản phẩm hay, phù hợp với văn hoá Việt Nam nhưng không làm mất đặc trưng của Rap. Những ca khúc dung tục, phảm cảm sẽ khó lòng tìm được chỗ đứng, thậm chí sẽ bị chính khán giả “tấn công”, phản đối. Một nghệ sĩ nói chung, hay một Rapper nói riêng muốn vươn tầm ra thế giới thì việc đầu tiên phải chinh phục khán giả nước nhà.