Cuối năm, chặn tội phạm

Lê Anh 10/12/2021 09:24

Kể từ khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách và mở cửa hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vào thời điểm “năm hết, Tết đến” tội phạm lại gia tăng, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản nơi công cộng, lừa đảo trên không gian mạng… Điều đó đòi hỏi thành phố phải có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn.

Tội phạm “ăn theo” dịch bệnh

Kể từ đầu đợt bùng phát dịch Covid-19, 2 đối tượng Đào Xuân Thắng (32 tuổi) và Nguyễn Văn Luyện (41 tuổi, cùng quê Hải Phòng) đã cùng một số đàn em thân tín vào TP HCM thuê một chung cư để hoạt động tín dụng đen thông qua hình thức cho vay lãi nặng.

Nhận thấy đây là một địa bàn có đông lao động từ các địa phương đến làm ăn, trong khi phải giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến khó khăn về tiền bạc, mưu sinh.

Nắm bắt tâm lý này, ngay khi thuê được chung cư tại TP HCM, Thắng đã chỉ đạo đàn em đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội, website và kết nối với một số đối tượng môi giới trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính để giới thiệu, móc nối với người có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, đầu tư, buôn bán, trang trải cuộc sống, thậm chí bao gồm cả khách hàng là những “con nợ” cờ bạc.

Về hình thức cho vay nặng lãi, nhóm của Thắng quảng cáo người vay tiền có thể trả bằng nhiều hình thức: góp theo ngày (lãi suất từ 282% - 1.738%/năm); vay “lãi nằm” (lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ngày, 15 ngày trả một lần) hoặc tính theo ngày (lãi suất 1,5%/ngày, tương 180% - 547,5%/năm).

Nhờ chọn đúng địa bàn và thời điểm hoạt động “tín dụng đen”, nhóm của Thắng đã liên tục mở rộng địa bàn hoạt động, cùng một hình thức thuê các căn hộ chung cư hòng dễ dàng che mắt sự theo dõi của cơ quan chức năng tại địa phương.

Tính đến thời điểm băng nhóm cho vay nặng lãi bị Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) phối hợp cùng các lực lượng chức năng tại TP HCM triệt phá, đã phát hiện có hàng trăm khách hàng là nạn nhân, với số tiền vay lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong số này, có trường hợp vay đến 24 tỷ đồng, cùng mức lãi suất lên tới 144% - 491%/năm.

Tính tổng cả tiền gốc và lãi phải trả cho băng nhóm của Nguyễn Văn Thắng của nạn nhân này đã lên đến gần 40 tỷ đồng.

Qua ghi nhận lời khai của nhiều nạn nhân, khi phát hiện “con mồi” rơi vào tình trạng không thể trả nợ, Thắng chỉ đạo đàn em nhắn tin đe dọa, thúc nợ. Một trường hợp do không thể trả hết nợ, buộc phải chuyển nhượng tài sản có giá trị cao như căn hộ, ô tô… dẫn đến phá sản.

Không chỉ “tín dụng đen”, lợi dụng việc giãn cách xã hội do dịch bệnh, nhiều đối tượng rình rập các nhà xe, bến bãi, chung cư để trộm cắp tài sản là ô tô, xe máy,…của người dân. Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP HCM, thống kê sơ bộ từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 năm nay trên địa bàn thành phố xảy ra 548 vụ phạm pháp hình sự về trật tự xã hội. Cơ cấu tội phạm chủ yếu là xâm phạm sở hữu, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản.

Cũng theo Thượng tá Hà, các vụ trộm cắp tài sản vào thời điểm giáp Tết năm nay trên địa bàn TP HCM có xu hướng tăng, với 233 vụ. Trong số này, có đến 67% các vụ liên quan đến trộm cắp mô tô, xe gắn máy. Nếu tính cụ thể, cứ 3 vụ trộm cắp tài sản thì có 2 vụ trộm cắp mô tô, xe máy xảy ra trên địa bàn thành phố.

Điển hình là vụ kẻ trộm đột nhập cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Phường Tân Thới Hòa mới đây đã táo tợn dùng hung khí khống chế nhân viên để cướp tài sản. Qua điều tra, công an bắt giữ đối tượng Phạm Minh Trí (20 tuổi, trú quận Tân Phú), trong đó thu giữ nhiều tang vật của vụ cướp kể trên.

Công an huyện Nhà Bè mới đây thông tin việc một số người tự xưng là công an chặn đường người dân kiểm tra “thẻ xanh” qua điện thoại di động. Sau đó, lợi dụng lúc sơ hở của nạn nhân, những đối tượng này giật điện thoại, túi xách của nạn nhân rồi tẩu thoát.

Công an TP HCM tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các loại tội phạm. Ảnh: Phú Lữ.

Bảo đảm người dân đón Tết an toàn

Trước tình hình gia tăng các loại tội phạm phức tạp, lãnh đạo Công an TP HCM đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung các giải pháp kéo giảm phạm pháp hình sự nói chung và tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng. Đồng thời, khuyến cáo người dân cùng cảnh giác, khi xảy ra các vụ trộm cắp tại địa phương cần nhanh chóng tố giác các hành vi phạm tội để truy bắt.

Công an các quận/huyện tại TP HCM đã phát đi thông báo khuyến cáo người dân không lơ là, sơ hở, chủ quan, luôn nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tội phạm, đặc biệt khi Tết Dương lịch đã đến gần.

Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, tình hình trộm cắp, cướp giật, tội phạm gia tăng sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm. Thông thường, tội phạm sẽ tăng vào thời điểm cận Tết. Ngoài ra, luồng người di chuyển từ các tỉnh, thành về lại TP HCM làm việc cũng sẽ kéo theo các đối tượng tội phạm trở lại hoạt động.

Từ dự báo này, lãnh đạo UBND thành phố đề nghị lực lượng Công an và các quận, huyện cần nắm chắc tình hình những người nghiện ma túy, tội phạm khu vực giáp ranh để tập trung truy quét, triệt phá. Liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, cần rà soát kỹ lưỡng bởi vì số người cần vốn làm ăn trước Tết là rất lớn, dễ bị các băng nhóm tín dụng đen dụ dỗ, khống chế.

Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM): Tăng cường cảnh giác vào thời điểm cuối năm

Các loại tội phạm lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để hoạt động vừa qua được Công an TP HCM và các đơn vị của Bộ Công an vào cuộc triệt phá. Ngoài ra, một số đường dây về tín dụng đen, hoạt động cờ bạc, lừa đảo qua mạng, tội phạm xâm phạm về tài sản, trộm cắp,… gia tăng vào thời điểm cuối năm cũng là những vấn đề mà chính quyền và ngành công an thành phố cần phải tập trung truy quét, triệt phá, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, giúp người dân đón một cái Tết an toàn. Một mặt, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo quản, giữ gìn tài sản, không tạo sơ hở để kẻ gian lợi dụng trộm cắp tài sản khi Tết cổ truyền đang đến gần.

Lê Anh