Tuyển sinh đại học 2022: Tỉnh táo chọn phương án phù hợp

Hàn Minh 10/12/2021 14:00

Giữa đa dạng phương thức xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) mà các trường đang áp dụng, thí sinh cần chủ động lựa chọn phương án phù hợp và có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, thay vì chỉ trông chờ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Lợi thế chứng chỉ, học bạ

Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trước đây các trường đều dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh viên là chủ yếu thì hiện nay, hầu hết các trường đều mở rộng phương án tuyển sinh. Bao gồm: Xét học bạ, xét thành tích học sinh trường chuyên, xét theo thành tích học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi địa phương hay học sinh đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật… Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng kết quả điểm thi các chứng chỉ SAT, IELTS,… trong những năm gần đây khá rõ khi đầu vào của sinh viên dù xét tuyển theo khối thi, ngành học nào cũng vẫn đảm bảo khả năng ngoại ngữ.

Tận dụng cơ hội này, mùa tuyển sinh 2021 ghi nhận có những tập thể lớp 12 có tới hơn nửa lớp trúng tuyển các trường ĐH danh tiếng trước khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Đơn cử như 29/50 cựu học sinh lớp 12D4, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã trúng tuyển ĐH nhờ xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó 15/29 em trúng tuyển Học viện Ngoại giao, 4 em trúng tuyển ĐH Sư phạm Hà Nội. Các em khác trúng tuyển ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Luật Hà Nội, Học viện Tài chính... Nhiều em còn trúng tuyển 2-4 trường.

Tương tự, 34/51 cựu học sinh lớp 12A1, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm được tuyển thẳng vào ĐH nhờ chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, TOEFL iBT và chứng chỉ SAT.

Rõ ràng, việc trang bị cho mình các chứng chỉ, thành tích qua các cuộc thi không chỉ đem lại cơ hội cọ xát, nhìn lại quá trình học tập đã đạt được đến đâu theo chuẩn đã có và được công nhận trên thế giới, ở Việt Nam mà còn đem đến cho các thí sinh cơ hội vào ĐH mong muốn một cách ít áp lực hơn hẳn việc chờ đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Vào ĐH bằng học bạ cũng là một trong những phương án được nhiều thí sinh lựa chọn vì đảm bảo tính an toàn và quan trọng, đó là quá trình phấn đấu trong nhiều năm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường có xu hướng giảm dần khi các trường đẩy mạnh tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh và giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc học trực tuyến ở nhiều địa phương đặt ra yêu cầu giảm tải nội dung, kiến thức ở các cấp học, trong đó có lớp 12. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng vì thế vẫn là một hướng đi để thí sinh cân nhắc sử dụng xét tuyển vào ĐH nhưng không nên là hướng duy nhất mà nên chuẩn bị cho mình các phương án khác, tránh bị động.

Lời khuyên của các chuyên gia giáo dục đó là hiện nay nhiều trường tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, như ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để chọn các ứng viên phù hợp nhất. Thí sinh có thể đăng ký tham gia các kỳ thi này để có thêm cơ hội vào các trường. Thi một lần, đỗ nhiều trường sẽ rất thuận lợi cho thí sinh.

Thí sinh giảm áp lực, trường chọn đúng người cần

Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, Bộ đã khuyến khích các trường ĐH, ngành học có mức cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự đa dạng của các phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ hiện nay.

Trường chủ động chọn được thí sinh phù hợp trong khi thí sinh cũng định hướng rõ mục tiêu mình cần gì, muốn gì và có gì để đáp ứng ngành học đó khi ứng tuyển thay vì nộp đại hồ sơ vào trường nào đó mà thiếu sự chuẩn bị về kiến thức, hiểu biết.

Từ hiện tượng một số năm gần đây, có những thí sinh 29,5 điểm vẫn trượt nguyện vọng vào trường tốp đầu, ông Khuyến cho rằng, thí sinh cần tỉnh táo lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp giữa một “rừng” phương thức xét tuyển của các trường hiện nay.

Đồng thời, đề xuất để tập trung, tránh tốn kém thì các trường ĐH cùng khối ngành hoặc chung khối thi nên sử dụng chung kết quả của nhau, đơn cử như kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH và ĐH đã nêu trên là hoàn toàn đáng tin cậy.

Điều này cũng làm giảm bớt áp lực cho các thí sinh ở nông thôn hoặc vùng sâu chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế hoặc không có điều kiện tham gia nhiều cuộc thi với chi phí tốn kém, đi lại vất vả, khó khăn.

Thay đổi cách tuyển sinh ĐH cũng là một cách các trường lựa chọn nhân tài. Thí sinh cũng không học ngày học đêm, hết lò luyện này tới lớp học thêm kia để đạt 30 điểm thi tốt nghiệp mà thay vào đó là tự mình chuẩn bị hành trang vào đời bằng những năng lực, kỹ năng tổng hợp cần thiết mà đôi khi, sách vở không thôi là chưa đủ.

Hàn Minh