Kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc Molnupiravir
Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế các thành phố Hà Nội, TP HCM tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng. Hiện thuốc thử nghiệm chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.
Yêu cầu giám sát chặt chẽ việc thiếu hụt “túi thuốc C”
Theo phản ánh của người dân tại TP HCM, thời gian vừa qua có tình trạng một số người lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị Covid-19, thiếu hụt “túi thuốc C” (túi thuốc được cấp cho bệnh nhân Covid-19 có chứa thuốc Molnupiravir), nên đã rao bán thuốc này trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân F0 tại TP HCM đang điều trị tại nhà, có nhu cầu, nhưng tiếp cận với túi thuốc C đều rất khó khăn.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong thử nghiệm, lưu hành thuốc điều trị Covid-19, trong văn bản gửi Sở Y tế TP HCM, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị thành phố khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir; xử lý các trường hợp vi phạm, tránh thất thoát, thẩm lậu thuốc ra thị trường. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, Sở Y tế chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Về việc có hay không tình trạng thiếu hụt “túi thuốc C” tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, Cục Quản lý Dược đề nghị cần làm rõ. Nếu thiếu, Sở Y tế TP HCM cần có giải pháp giải quyết để kịp thời cung ứng đầy đủ thuốc cho F0.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh việc đăng tải thông tin liên quan đến mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng và thuốc không có nguồn gốc.
Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc ngành y tế Thủ đô đang tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát thực hiện nghiêm các quy định về quản lý thuốc Molnupiravir.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội nhận được văn bản của Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) có đề cập về tình trạng kinh doanh, quảng cáo và bán thuốc Molnupiravir với giá cao cho người dân.
Sở Y tế cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị sử dụng thuốc Molnupiravir và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có). Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị quản lý, sử dụng thuốc Molnupiravir đúng đối tượng bệnh nhân, đúng đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt và cập nhật ngay thông tin bệnh nhân, thông tin sử dụng thuốc vào hệ thống quản lý của chương trình khi cấp phát, sử dụng.
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Bệnh viện đa khoa Đống Đa - đơn vị đầu ngành về truyền nhiễm quản lý chặt chẽ thuốc Molnupiravir từ tiếp nhận, bảo quản, cấp phát tới các đơn vị tham gia triển khai chương trình; đồng thời theo dõi sử dụng và thu hồi thuốc trong trường hợp bệnh nhân không sử dụng hết vì bất cứ lý do gì.
Không tùy tiện sử dụng thuốc Molnupiravir
Theo lãnh đạo Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, đến nay, số tỉnh thành điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà là 42 địa phương (tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11 vừa qua, là 22 tỉnh thành). Bộ Y tế cũng đã cung cấp miễn phí khoảng gần 250.000 liều thuốc bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho người bệnh sử dụng.
Còn theo Cục Quản lý Dược, việc mua bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
BS Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng Molnupiravir trong điều trị Covid-19 cho biết, hiện các loại thuốc kháng virus đều ở dạng thử nghiệm, phải được cấp phép bởi Bộ Y tế và có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng. Những người tham gia thử nghiệm thuốc đều phải ký các bản cam kết và tuân thủ các quy định của thử nghiệm. Nguồn cung cấp thuốc chính thức duy nhất ở Việt Nam chỉ có Bộ Y tế.
Do đó, người dân không nên sử dụng thuốc kháng virus buôn bán trôi nổi trên thị trường vì đây là các nguồn không chính thống, khả năng bị làm giả rất cao. Nếu người bệnh uống phải thuốc giả, vừa không chữa được bệnh vừa có thể uống phải các hoạt chất có hại, gây hậu quả không thể hình dung hết được.
BS Thanh cũng lưu ý, thuốc kháng virus chính thống dù có độ an toàn cao, song vẫn có một số tác dụng phụ.
Đặc biệt, những người thuộc nhóm chống chỉ định (phụ nữ có thai, người dưới 18 tuổi, hoặc trên 65 tuổi...) không nên tự ý mua thuốc về sử dụng bởi đến nay chưa có thử nghiệm nào đánh giá tác dụng phụ lâu dài của thuốc, cũng như nghiên cứu nguy cơ gây ra dị dạng bào thai, hay cơ thể trẻ em, người trên 65 tuổi có chịu đựng được tác dụng của thuốc hay không…
Bộ Y tế đã công bố các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ triển khai tại 22 tỉnh/thành phố, cho thấy: Thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Sau khi có kết quả thử nghiệm bước đầu, Bộ Y tế sẽ tiến hành các bước để tiến tới cấp phép lưu hành cho các công ty có thể nhập khẩu, sản xuất thuốc này.