Mở cửa an toàn
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản báo cáo về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam từ 15/12/2021. Đây được coi là đề xuất táo bạo trong lúc dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhất là khi biến chủng mới Omicron xuất hiện, tuy chưa khẳng định rõ được độc lực của nó (so với biến chủng Delta) nhưng cũng đã khiến các quốc gia phải lo ngại khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt nó vào cấp độ “đáng lo ngại”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình với việc sớm khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế. Vì rằng, Covid-19 đã được thế giới coi như một biến thể mới của bệnh cúm, nhân loại phải sống chung với nó trong tinh thần không sợ hãi. Có thể thấy, ở Mỹ và các quốc gia châu Âu, cho dù diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, với số ca nhiễm mới do biến chủng Delta gây ra, nhưng các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra, đường bay giữa các nước, xuyên đại dương vẫn được tiếp tục.
Trở lại với đề xuất mới của Bộ Giao thông vận tải, bao gồm 2 giai đoạn thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam. Giai đoạn 1 (hai tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12/2021), tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ).
Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).
Giai đoạn 2 (thực hiện trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1) dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022.
Đáng chú ý, ngoài 9 thị trường nói trên, Bộ Giao thông vận tải còn đề xuất mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hongkong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moscow (Nga). Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn.
Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt khoảng 40.000 người/tuần).
Thích ứng an toàn trong khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp với dự báo kéo dài chính là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 ở nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì vấn đề cực kỳ quan trọng là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để virus gây bệnh từ bên ngoài tràn vào nước ta thông qua những chuyến bay thương mại.
Cũng cần nhắc lại, trong những đợt dịch trước, chúng ta có được nhiều thành công một phần quan trọng cũng nhờ vào chủ trương “chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch ở bên trong”. Nay, khi du khách quốc tế vào nước ta, thì việc kiểm soát y tế phải được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả. Tất nhiên du khách quốc tế chỉ có thể lên được chuyến bay khi đã có “hộ chiếu vaccine”, nguy cơ mang dịch vào trong nước không thật cao, nhưng thực tế cho thấy nhiều người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn dương tính với SARS-CoV-2. Đó cũng chính là một cảnh báo không thể bỏ qua.
Vì thế, khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế, trách nhiệm của ngành y tế, ngành giao thông vận tải, du lịch cũng như chính quyền địa phương là rất nặng nề. Cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ xử lý nhanh những trường hợp phát hiện dương tính, không để dịch có cơ hội lây lan ra cộng đồng.
Nhưng cũng không vì thế mà làm khó những người đến Việt Nam trên các chuyến bay thương mại. Nói điều này không thừa vì chúng ta đã từng chứng kiến mỗi nơi làm một kiểu, đòi hỏi rất nhiều điều kiện dẫn tới cản trở giao thương từ vùng này sang vùng kia, thậm chí là ngay trong một huyện.
Chính vì thế, việc Bộ Giao thông vận tải cho rằng để đảm bảo tính khả thi nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách, thì cần sớm có hướng dẫn dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.