Tham thực cực thân
Mới đây, ba người ở Kon Tum đã phải nhập viện sau khi ăn thịt chuột mà họ bắt được ở trên rẫy. Vốn dĩ thịt chuột có thể ăn được, ở một số địa phương còn là đặc sản, nhưng 3 người dân trên lại bị ngộ độc nặng. Thế mới nói rằng, không thể tùy tiện sử dụng thực phẩm, nhất là thịt động vật khi chưa được chế biến kỹ và không sạch bởi tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho con người.
Còn nhớ, cách đây mấy năm, có phong trào ngâm rượu với các loại cây, củ, quả, con... Bất kể thứ gì người ta cũng có thể cho vào ngâm rượu, từ quả cây thuốc phiện, rễ đinh lăng, đến rắn, mật gấu, cao hổ... Có người tích trữ hàng chục, thậm chí cả trăm bình rượu ngâm, nhưng hỏi bổ cái gì chỉ cười trừ khỏa lấp: Không bổ cái này thì bổ cái khác. Mỗi khi tụ tập anh em, bạn bè thì họ mang ra thết đãi với niềm hãnh diện “sành điệu”. Đó chính là lý do hàng năm Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện địa phương phải tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do ngộ độc bởi... rượu ngâm. Ấy vậy nhưng chẳng ai thấy sợ cả.
Còn nữa, hiện trên mạng xã hội đang rao bán rất nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng được quảng cáo là rất tốt cho sức khỏe, rằng khi sử dụng sẽ “bổ âm, bổ dương”... Lạ một điều, chẳng có bằng chứng khoa học, chẳng có ý kiến của cơ quan chức năng, chỉ bằng vào mấy câu quảng cáo mật ngọt đó mà vô số người sẵn sàng bỏ ra vài trăm nghìn, thậm chí cả chục triệu đồng để rước về “tẩm bổ”.
Còn nhớ, vào những năm thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, người lớn thường căn dặn con cháu, chớ ăn quả xanh, uống nước lã, tham thực thì cực thân. Song, cũng có những đứa trẻ bướng bỉnh không chịu nghe lời nên đã bị đau bụng, tiêu chảy, nôn mật xanh mật vàng.
Kể lại câu chuyện xưa để thấy rằng, có những thứ ăn được, nhưng cũng có những thứ tuyệt đối tránh, bởi thực tế nhiều người do tùy tiện trong ăn uống dẫn ngộ độc, thậm chí tử vong. “Chân lý” tưởng như đơn giản ấy nhưng không phải ai cũng nhớ và thực hiện. Có không ít người dù đã đọc báo, xem tivi, biết được sự nguy hại khi uống những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là những loại rượu tự chế bằng cồn công nghiệp, nhưng thực tế hàng năm vẫn xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc. Chỉ tính trong vòng 2 tuần trở lại đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận ít nhất 8 bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong.
Cùng với ngộ độc rượu, những vụ ngộ độc nấm rừng cũng rất đáng lo ngại. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Hiện nhiều người dân vẫn mang tâm lý chủ quan, cứ nghĩ những cây nấm mọc quanh vườn nhà hay trên rừng là “nấm quen”, lành tính nên hái về ăn, để rồi khi xảy ra ngộ độc thì đã muộn.
Để những vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm không tái diễn, thiết nghĩ bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tránh tùy tiện trong việc sử dụng thực phẩm. Mỗi người chỉ có một mạng sống, hãy cẩn trọng giữ gìn, đừng để đến lúc hối hận cũng không kịp.