Dừng xe máy ở khu vực nội thành: Phải tăng cường năng lực giao thông công cộng
Việc UBND thành phố Hà Nội muốn dừng hoạt động xe máy tại khu vực nội thành từ vành đai 3 trở vào từ năm 2025 (sớm hơn kế hoạch 5 năm) đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Giới chuyên gia cho rằng, muốn giảm ùn tắc cần đồng bộ nhiều giải pháp.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Mới đây sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đã giao đơn vị liên quan nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 vào trung tâm thành phố.
Tiếp đó sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng. Như vậy, việc dừng xe máy tại các quận được nghiên cứu điều chỉnh sớm hơn 5 năm so với Nghị quyết 04 (mốc thời gian cấm xe máy tại các quận được xác định vào năm 2030).
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Nghị quyết 04/2017 của HĐND (dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030) là một chủ trương đúng đắn, được phần lớn người dân và doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ.
Song ông Quyền cũng cho biết, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến vành đai từ 1 đến 3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người. Chưa có lộ trình di dời các cơ quan trung ương trong nội thành.
Hầu hết chuyên gia trong ngành cho rằng, cấm xe máy vào nội đô năm 2030 là khó khả thi. Bởi khi đưa ra chính sách hạn chế xe máy, nhà quản lý cần đi trước một bước trong việc gia tăng năng lực giao thông công cộng. Đồng thời phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác.
TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông khẳng định việc cấm xe máy vào năm 2025 là không khả thi. Theo ông Thủy, tại Myanmar khi chính quyền thành phố Yangon thực hiện lệnh cấm xe máy vào năm 2003, đến nay thành phố này tràn ngập xe ô tô và kết cục là, đường phố thường xuyên tắc nghẽn do lượng ô tô tăng nhanh đột biến. Hiện, Yangon lại đang tính tới việc xem xét cho phép xe máy hoạt động trở lại.
“Hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như đòi hỏi ngày càng cao của người dân thủ đô. Mỗi ngày thành phố có khoảng 14 triệu lượt đi lại, nhưng giao thông công cộng mới chỉ phục vụ trên dưới 10% nhu cầu. Giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu, tức là phương tiện đi lại cho người dân chưa có, vậy nếu cấm xe máy thì người dân đi lại bằng phương tiện gì?” - ông Thuỷ đặt vấn đề.
Người dân chưa đồng thuận
Anh Trịnh Hoàng Tùng cư trú tại La Khê, Hà Đông, Hà Nội nhưng làm việc ở phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh vẫn thường xuyên đi 2 chuyến xe buýt và phải mất hơn 2 giờ di chuyển để có thể đến được nơi làm việc. Những hôm công ty họp đột xuất lúc 8giờ sáng hoặc công việc bắt buộc phải đi khảo sát thị trường, gặp nhiều đối tác trong ngày thì anh không thể lựa chọn phương tiện xe buýt mà phải sử dụng xe máy.
“Nếu đi xe buýt thì muộn giờ họp, cũng không thể đi xe buýt để đến các khu phố nhỏ, ngõ hẹp được” - anh Tùng nói.
Do vậy theo anh Tùng, cấm xe máy trong nội đô là không khả khi, ít nhất là trong vài ba năm tới. Ở nước ngoài, chỉ đi vài bước chân là có xe buýt, hệ thống tàu điện ngầm cũng được phủ rộng nên rất thuận lợi cho người dân di chuyển, còn ở Việt Nam, giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên rất khó để thực thi việc này.
Một số người cũng cho rằng, có thể cấm xe máy nhưng cần chọn thời điểm sao cho phù hợp. Ở thời điểm này, khi chúng ta chưa có phương tiện bổ sung để thay thế xe máy thì việc cấm xe máy là khó thực hiện.
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội băn khoăn về thời điểm áp dụng cấm xe trong năm 2025. Trong đó, vấn đề phát triển giao thông công cộng rất quan trọng. Mà từ nay đến năm 2025 chỉ còn 3 năm, thời gian đó không đủ để ngành giao thông có sự phát triển phương tiện giao thông công cộng một cách đột phá.
Đề xuất dừng xe máy tại các quận nội thành đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần. Song mấu chốt quan trọng để có thể dừng hoạt động của xe máy đó là phải có hạ tầng, phát triển giao thông công cộng để phục vụ nhân dân. Trong khi hiện nay và thậm chí 5 năm nữa các phương tiện vận tải công cộng nội đô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Và như vậy, đề xuất này chắc chắn sẽ khó nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân, dư luận xã hội.