Nóng với dự án chậm tiến độ
Ngày 9/12, HĐND TP Hà Nội đã thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó tập trung vào 2 nhóm vấn đề được cử tri, và nhân dân quan tâm gồm: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-9 trên địa bàn TP; và việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP.
Với nhóm vấn đề: “Thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP”, nhiều đại biểu đã đề cập đến những tồn tại, hạn chế của TP trong thời gian qua như các dự án chậm tiến độ. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ ra vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
“Có những dự án đã được HĐND TP giám sát, tái giám sát nhưng vẫn chuyển biến chưa nhiều, cần được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới” - ông Tuấn nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Minh Tuân cho rằng qua tái giám sát của Thường trực HĐND thành phố, tháng 5/2021 cho thấy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND TP vẫn còn phát sinh một số dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, việc xây dựng hồ sơ quản lý chưa hoàn thành. Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân, giải pháp?
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Bùi Duy Cường cho biết: Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, UBND TP đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm tiến độ. Hiện 379 dự án đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng thì các dự án còn lại, chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.
Theo ông Cường, nguyên nhân là do nhận thức, ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư còn hạn chế, có nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương; cố tình “chây ì” không thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhất là một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở, ngành thực hiện phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Trả lời thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, đối với 383 dự án trước đây HĐND TP đã có ý kiến thì hiện nay các sở, ngành quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện. Các dự án nào do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Từ ngày 11/10, số ca mắc mới tăng cao, và với tình hình này, có thể lên tới 1.000 ca/ngày. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta.
Bà Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội đã có giải pháp cụ thể, các quận, huyện, đánh giá cấp độ dịch, có biện pháp tương ứng phòng, chống dịch. Ngành y tế tiếp tục kiên định điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giảm tải cho tuyến trên.