Festival ‘Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai’: Tôn vinh tinh hoa văn hóa các dân tộc
UBND tỉnh Lào Cai vừa khai mạc Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai” nhằm giới thiệu, tái hiện đời sống văn hóa, trang phục, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc bản địa ở Sa Pa.
Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai” là sáng kiến của tỉnh Lào Cai và đã được 8 tỉnh Tây Bắc ủng hộ, có mục đích tôn vinh tinh hoa văn hóa các dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch. Tỉnh Lào Cai mong muốn tạo dựng một sự kiện thường niên, từng bước trở thành thương hiệu độc đáo mang tầm quốc gia, quốc tế.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, Lào Cai đề ra, xây dựng Festival Tinh hoa Tây Bắc với mong muốn tạo ra sản phẩm đặc sắc, độc đáo nhằm tôn vinh tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Mong muốn chung của 8 tỉnh Tây Bắc là có sản phẩm để luân phiên tổ chức ở các địa phương và kết nối với TP Hồ Chí Minh.
Đây là năm đầu tiên sự kiện này được tổ chức ở Lào Cai nhằm mục đích khởi động và có các chương trình nghệ thuật cùng chuỗi hoạt động giới thiệu về thời trang thổ cẩm, giới thiệu về những sản phẩm đặc trương về Lào Cai và tái hiện Chợ tình Sa Pa. Tỉnh Lào Cai và 8 tỉnh Tây Bắc có mong muốn đây sẽ là một sân chơi để cho nhân dân các dân tộc hội tụ, chia sẻ, tăng cường tình đoàn kết, đồng thời cũng tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc mình và đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai 2021” diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 19 - 21/11, là chương trình tiền đề cho Festival Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai 2022 và trong các năm tiếp theo.
Năm nay, Festival có các chuỗi hoạt động như không gian trưng bày “Thổ cẩm - Những câu chuyện kể” giới thiệu về sắc màu thổ cẩm Lào Cai - Tây Bắc, giới thiệu các làng nghề thổ cẩm, các sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc Mông, Xá Phó, Dao, Tày, Giáy… với các bước: thao diễn, trải nghiệm sản xuất thổ cẩm từ lúc còn là nguyên liệu thô (cây lanh, sợi đay) tới dệt, thành phẩm; các sản phẩm đa dạng, phong phú như trang phục, ứng dụng họa tiết thổ cẩm trong các lĩnh vực của đời sống. Điểm nhấn là chương trình thời trang nghệ thuật “Thổ cẩm - Câu chuyện tình yêu”.
Trong chuỗi các hoạt động tại Festival có chương trình nghệ thuật “Dệt tình Sa Pa” nhằm tái hiện Chợ tình Sa Pa vào tối 19 và 20/11. Theo ông Hà Văn Thắng, “Chợ tình Sa Pa” là một nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai, thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả nước ngoài.
Năm 2021, “Chợ tình Sa Pa” tiếp tục được tái hiện với những khung cảnh không gian độc đáo hơn, các chương trình nghệ thuật đặc sắc như “Dệt tình” làm tô điểm thêm sự lãng mạn của những câu chuyện tình yêu sau mỗi phiên chợ, góp phần tái hiện những nét đẹp của “Chợ tình Sa Pa” xưa và nay giúp du khách có những trải nghiệm chân thực về phiên chợ tình, hiểu đúng về các giá trị văn hóa của nó.
Qua các hoạt động này, tỉnh Lào Cai mong muốn kích hoạt lại các hoạt động động du lịch trên địa bàn, đồng thời quảng bá các chương trình du lịch của tỉnh Lào Cai trong điều kiện thích ứng linh hoạt với tình hình mới, kiểm soát hiệu quả việc phòng, chống dịch Covid-19, góp phần khẳng định “Lào Cai - Điểm đến an toàn”.