Kỳ họp bất thường sẽ cho ý kiến về 4 nội dung

Việt Thắng 10/12/2021 14:24

Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Về dự kiến chương trình kỳ họp, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 3,5 ngày.

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội xin dự kiến về 3 phương án tổ chức kỳ họp.

Theo đó, phương án 1: Dự kiến khai mạc kỳ họp vào ngày 27/12/2021, bế mạc chiều ngày 31/12/2021 để kịp kết thúc kỳ họp trong năm 2021. Phương án 2: Dự kiến khai mạc kỳ họp vào ngày 27/12/2021, bế mạc kỳ họp vào sáng ngày 4/1/2022. Phương án 3: Dự kiến khai mạc kỳ họp vào ngày 4/1/2022, bế mạc kỳ họp vào sáng ngày 11/1/2022, trong đó, Quốc hội nghỉ ngày 5-6/1/2022 để các cơ quan tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, cả 4 nội dung trên Chính phủ đã chuẩn bị từ lâu và đã phân công nhiệm vụ đối với các bộ ngành. Ngày 15/12 tới Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị về các nội dung trình tại kỳ họp bất thường. 4 nội dung nên hiện đã đầy đủ cơ sở và đến ngày đó đảm bảo chất lượng trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nên gọi kỳ họp là phiên họp bất thường lần thứ 1. Trong 4 nội dung thì hiện 3 cái đã ổn, trong đó có 2 cái Bộ Chính trị đã cho ý kiến. 1 việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất, còn mỗi Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội. Hiện Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Chính trị nội dung này, và Bộ Chính trị đã có lịch họp cho ý kiến.

Về phương án theo ông Định, nên theo phương án 2 là hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ xem xét những nội dung quan trọng như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay các nội dung đặt ra đã hoàn thành, công tác chuẩn bị đã đạt được kết quả quan trọng. Do đó Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với nhau cũng như các cơ quan của Quốc hội để các quan điểm phải thống nhất. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất cao, trình Quốc hội sẽ đạt đươc sự đồng thuận cao.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội phải dựa trên cơ sở vững chắc, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo chất lượng. Đây là chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế, do đó cần phải có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng hơn nữa. Trong đó phục hồi nhưng phải phát triển bền vững gắn với cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV với tối đa 4 nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến.

“Không phải bằng mọi giá tổ chức kỳ họp mà phải bảo đảm chất lượng, đảm bảo yêu cầu đề ra thì mới tổ chức kỳ họp bất thường, hoàn thiện nội dung nào thì trình Quốc hội nội dung đó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí nếu bảo đảm các điều kiện chuẩn bị, sau đợt 2 của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 6 sẽ trình Bộ Chính trị về chủ trương xin phép về việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV vào đầu năm 2022, sớm nhất ngày 4/1/2022 mới có thể khai mạc.

Bố trí đủ thời gian để ĐBQH thảo luận ở tổ và hội trường, không giới hạn thời gian 3,5 ngày hay 4 ngày, nên ít nhất phải 5 ngày thì họp mới chất lượng” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Việt Thắng