Chuyên gia nói gì khi nhiều trường Đại học ồ ạt mở ngành mới?
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, việc ồ ạt mở thêm các ngành mới của các trường đại học (ĐH) là nhu cầu tất yếu của xã hội, tuy nhiên điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi, liệu rằng chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất của các trường có đáp ứng đủ yêu cầu? Các ngành mới có thực sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội?
Xu hướng đã được dự báo trước
Nhiều trường ĐH thời gian gần đây đã công bố những thông tin về kỳ tuyển sinh năm học 2022-2023. Theo đó, nhiều trường xuất hiện những mã ngành mới, mở rộng phương thức tuyển sinh để thí sinh có thêm nhiều lựa chọn vào ĐH.
Việc mở thêm nhiều ngành mới đã trở thành xu hướng trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực.
Theo đó, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu bảo đảm đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu của từng nhóm ngành nghề khác nhau.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, vấn đề mở ngành mới hiện nay là xu hướng tất yếu, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là trường ĐH mở ngành mới có đủ năng lực để đào tạo hay không.
“Sự phát triển của xã hội và khoa học - công nghệ đã làm cho các ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn, nhiều ngành nghề cũ nhưng có cách làm mới, phương pháp mới…Cho nên việc đào tạo cũng cần thay đổi theo xu thế này. Việc đào tạo thêm các ngành nghề mới cũng là điều nên làm và phải làm”, GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định.
Tăng cường giám sát, thẩm định của “người gác cổng”
Tuy nhiên, ồ ạt mở ngành mới liệu chất lượng đào tạo có “mới” không là câu hỏi đáng quan tâm. Đằng sau đó là các quy định về điều kiện để mở ngành mới như người dạy, tài liệu, cơ sở vật chất…có được giám sát chặt chẽ?, chuyên gia băn khoăn.
Ngoài ra, nhiều ngành nghề mới đòi hỏi phải được đào tạo ở nước ngoài, nhất là các ngành công nghệ cao. Nếu không có cơ chế giám sát và kiểm định tốt, rất nhiều trường sẽ mở ngành nghề mới này mà không đủ chất lượng, dẫn đến nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của xã hội gây nên lãng phí…
Chuyên gia cũng cho hay, nhiều trường ĐH đang quảng cáo và mở ra những ngành hot để thu hút sinh viên, nhưng
Tự chủ trong giáo dục ĐH không có nghĩa là các trường muốn làm gì thì làm. Cách hiểu này rất nguy hiểm. Bởi vậy, càng để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh, mở ngành, Nhà nước lại càng cần tăng cường giám sát và kiểm tra mục tiêu đào tạo để tránh tình trạng nguồn nhân lực sau khi ra trường không thể sử dụng được”, chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.
Trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, việc mở thêm nhiều ngành mới là tốt, nhưng không có nghĩa các trường được mở ngành bừa bãi. Bộ GDĐT cũng đã có các quy định và hướng dẫn về việc mở ngành của các trường ĐH. Chỉ cần các trường đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có đủ trình độ hay không và nhu cầu của thị trường lao động để có cơ sở mở ngành mới.
Thực tế, việc mở ngành nhiều hay ít không quan trọng, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường mới là điều cần thiết nhất. Tuy nhiên, vai trò của “người gác cổng” ở đây là Bộ GDĐT vô cùng quan trọng. Bộ là người đưa ra các quy định, yêu cầu đối với việc mở ngành mới cho nên việc kiểm tra, thẩm định ra sao rất cần sự minh bạch.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định: “Do đó, ngoài việc căn cứ vào báo cáo của các trường, Bộ GDĐT cũng phải chủ động trong kiểm tra, kiểm soát các điều kiện ấy có đúng hực chất hay không một cách công khai, minh bạch”.
“Một xã hội càng phát triển thì càng mở ra nhiều ngành nghề mới, cơ hội khác nhau. Cho nên càng mở được nhiều ngành đào tạo mới càng tốt, tuy nhiên mở nhiều không có nghĩa là bừa bãi và phải đáp ứng đúng các yêu cầu, tiêu chí đưa ra”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.