Tạo không gian làm việc an toàn cho lao động nữ

Lê Bảo 11/12/2021 06:30

Trước tác động của dịch Covid-19, lao động nữ không chỉ đối mặt với nguy cơ giảm thu nhập, làm việc trong môi trường nhiều bất tiện vì thực hiện giãn cách mà còn đối mặt với nguy cơ bị quấy rối. Giới chuyên gia nhận định, để có thể giải quyết được nạn quấy rối tình dục nơi làm việc, cần có những không gian an toàn để nạn nhân có thể nói ra câu chuyện của mình…

Theo các chuyên gia, dù đã có nhiều quy định xong việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho lao động nữ, nói không với quấy rối vẫn còn nhiều khoảng trống.

Chưa nhận diện được hành vi

Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 đã có những quy định khá chi tiết về hành vi quấy rối. Cùng với đó, Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng nêu rõ, người lao động có hành vi quấy rối tình dục (QRTD) có thể bị xử lý kỷ luật với hình thức sa thải. Ngoài ra, nạn nhân bị QRTD nơi làm việc có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước. Tuy nhiên, việc nhận diện cũng như xử lý xây dựng môi trường làm việc an toàn cho lao động nữ vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhiều cuộc khảo sát được các tổ chức xã hội thực hiện trong thời gian gần đây chỉ ra một thực tế, hơn 53% nữ công nhân được hỏi xác nhận họ đã bị QRTD hoặc chứng kiến hành vi QRTD; gần 87% cho rằng nạn nhân thường là nữ công nhân, chưa đến 20% cho rằng nạn nhân có thể là nam công nhân. Tuy nhiên, theo khảo sát, chưa có trường hợp QRTD nào được xử lý trong các nhà máy.

Đáng nói là trước hành vi quấy rối, phản ứng gay gắt nhất của nạn nhân là chửi bới hoặc cau mặt bỏ đi, còn lại nhiều người ngại va chạm cho dù tâm lý rất muốn trừng trị người gây ra hành vi. Khảo sát cũng chỉ ra, không ai sẵn sàng báo cáo lãnh đạo công ty. Nữ công nhân khi bị QRTD thường chọn cách im lặng, không muốn chia sẻ vì mặc cảm, xấu hổ. Họ không dám kể lại hành vi mình bị quấy rối để làm bằng chứng, sợ mất danh dự cá nhân, sợ bị trả thù, mất việc làm và không tin sẽ được bảo vệ nếu lên tiếng.

Trong khi đó, phần lớn lãnh đạo nhà máy và nhiều công nhân cho rằng, những hành vi đó chỉ là trêu đùa của những người đồng nghiệp thân thiết với nhau hoặc cho rằng có thể nhắc nhở để sửa chữa.

Các nữ công nhân cần có môi trường làm việc an toàn.

Lao động nữ đối mặt với nguy cơ bị quấy rối

Trước tác động của dịch Covid-19, lao động nữ không chỉ đối mặt với nguy cơ giảm thu nhập, làm việc trong môi trường nhiều bất tiện vì thực hiện giãn cách mà còn đối mặt với nguy cơ bị quấy rối. Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho lao động nhất là lao động nữ, bà Chu Thị Xuân Hảo, Trưởng ban Tuyên giáo, nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên cho rằng, trước hết cần thực hiện tốt công tác truyền thông giúp nữ lao động nhận biết QRTD nơi làm việc. Theo đó, các cấp công đoàn phải xây dựng kế hoạch truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ công, đội ngũ báo cáo viên công đoàn của từng nội dung đi vào vấn đề cụ thể và thực hiện trực tiếp; truyền tải và phát bộ phim về nhận diện QRTD…

“Trong sổ tay hướng dẫn công nhân nên có mục dành cho việc QRTD và mục này nên thể hiện được định nghĩa thế nào là QRTD; nêu rõ giới hạn của sự quấy rối; phải kỷ luật hoặc sa thải những người vi phạm; đặt ra một quy trình rõ ràng về việc nộp đơn khiếu nại QRTD; cam kết sẽ điều tra bất cứ các khiếu nại về QRTD nào mà bạn nhận được; đảm bảo bất kỳ ai than phiền về QRTD sẽ không phải chịu đựng việc bị trả thù” - bà Hảo chia sẻ.

Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội Quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cho rằng cần phải có những giải pháp cụ thể đủ mạnh để bảo vệ lao động nữ. Mặc dù Luật Lao động năm 2019 đã có nội dung về cấm hành vi QRTD tại nơi làm việc, thế nhưng thực tế việc triển khai áp dụng luật còn hạn chế.

Để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển đổi sản xuất sang mô hình “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, các lao động, đặc biệt lao động nữ sống trong môi trường này gặp khá nhiều khó khăn, bất tiện. Nguy cơ phụ nữ và thanh niên bị QRTD trong môi trường này còn cao. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền đồng thời có giải pháp triệt để với những vụ việc vi phạm” – ông Tạ Việt Anh nhấn mạnh.

Đồng tình, đại diện Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, công cụ pháp lý để bảo vệ lao động nữ trước tình trạng QRTD đã khá đầy đủ, quan trọng làm sao chính sách đó được thực thi. Trong đó, vai trò của Công đoàn rất quan trọng.

Còn theo chuyên gia tâm lý, Tiến sỹ Lê Thị Thủy, QRTD tại nơi làm việc còn “đất sống” do bản thân các nữ công nhân thiếu thông tin về hành vi và quy trình báo cáo, xử lý khi có trường hợp bị QRTD. Ngoài ra, đa phần ở các doanh nghiệp không đủ các phòng ban chuyên môn để giải quyết triệt để các trường hợp này. Do đó để có thể giải quyết được nạn QRTR nơi làm việc cần có những không gian an toàn để nạn nhân có thể nói ra câu chuyện của mình và đồng thời cần có các biện pháp xử lý vi phạm thích hợp.

Một nghiên cứu về QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ LĐTB&XH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO cho thấy, đa số nạn nhân bị QRTD là nữ (tỉ lệ 78,2%) và ở độ tuổi từ 18 đến 30. Phần lớn nạn nhân chỉ tìm kiếm sự trợ giúp khi họ bị quấy rối nghiêm trọng trong thời gian dài. Theo kết quả nghiên cứu trên, có tới 80% nạn nhân được hỏi không hiểu rõ hành vi nào là QRTD.

Lê Bảo