Xử lý sạt trượt đường Hòa Lạc - Hòa Bình: Có đang tiện…'một công nhiều việc'?
Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây xuất hiện điểm khai thác, vận chuyển đất trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình (đoạn chạy qua địa bàn xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) cho công trình trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Việc khai thác được thực hiện cả ngày lẫn đêm với hàng chục xe tải lớn có dấu hiệu quá tải, vận chuyển đất rơi vãi, gây bụi.
Trước những thông tin phản ánh của người dân, qua tìm hiểu, ghi nhận thực tế cho thấy: Tại vị trí Km11 đường Hòa Lạc - Hòa Bình diễn ra hoạt động đào múc và vận chuyển đất với khối lượng lớn (phía trái đường Hòa lạc - Hòa Bình theo hướng đi TP Hòa Bình).
Tại đây, 1 tấm biển không cố định được đặt với nội dung thể hiện thông tin: “công trình thi công bão lũ bước 1 (cấp bách) đoạn Km11+480 - Km11+780 theo QĐ số 7245 của Tổng cục đường bộ Việt Nam; Chủ đầu tư: Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình; Đơn vị thi công: Công ty TNHH xây dựng Phương Nam”. Vị trí đang được đào múc là một quả đồi cao hàng chục mét, được tạo đường dẫn và đã được múc sâu rộng từ bên trong, không mang hình dáng của việc tạo taluy trong công tác chống sạt trượt…
Tiếp nhận những nội dung phản ánh, phía Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cử ông Từ Minh Phương và ông Nguyễn Hoàng Hiếu là Chuyên viên Vụ An toàn giao thông phối hợp cùng đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công làm việc và kiểm tra hiện trường.
Trong buổi làm việc, trước đề cập về việc không còn tồn tại tấm biển ghi thông tin về công trình và có hay không QĐ số 7245, là Quyết định gì thì được đại diện phía đơn vị thi công lý giải “tấm biển được dựng lên nhưng không có quyết định nào là Quyết định số 7245 nên đã cho bỏ đi.
Tiếp đến, thông tin về việc đất được vận chuyển cho dự án trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng được đại diện đơn vị thi công lý giải là có thể do không kiểm soát được nên các lái xe và đơn vị hợp tác cùng vận chuyển một vài xe nên không biết. Đồng thời, vị đại diện chủ đầu tư cũng cho rằng đất được chở đến bãi tập kết cách đó hơn 10 km.
Cũng trong buổi làm việc, kiểm tra tại hiện trường, các bên gồm đại diện Tổng cục đường bộ Việt Nam, chủ đầu tư, đơn vị thi công thì một bản hồ sơ thiết kế với hạng mục xử lý sạt trượt taluy dương đoạn từ Km11+480 - Km11+780 (T) có địa điểm tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội được đưa ra xem xét.
Theo bản vẽ phô tô không số, không dấu, thiếu nhiều thông tin này thể hiện trước đó mái taluy có vết nứt nên sẽ được xử lý với 3 mái taluy với độ dốc 1:1,5 với các khoảng cách MIA tương ứng. Tuy nhiên, qua quan sát tình trạng thực tế hiện trường thi công, nhận thấy lượng đất đã được đào sâu xuống gần bằng với mặt đường, cao độ tự nhiên thay đổi và không tương quan với các cao độ thiết kế để có thể tạo cơ taluy, khoảng cách và độ dốc mái taluy theo như bản vẽ được đưa ra.
Trước thực tế hiện trường, vấn đề được đặt ra và trả lời câu hỏi về việc: Thực tế hiện trường được đào múc so với thiết kế trong bản vẽ được đưa ra thì việc tạo mái taluy, chống sạt trượt có thi công được đúng theo thiết kế tại bản vẽ này hay không, đại diện của các đơn vị liên quan đều đưa ra những lý do để lý giải giữa thiết kế và hiện trạng.
Ông Từ Minh Phương cho rằng “đây chỉ là bản vẽ thiết kế sơ bộ” và trong thi công thực tế sẽ khác, tùy vào tình hình trong quá trình thi công mà có thể điều chỉnh cho phù hợp… Khi phóng viên đặt vấn đề: Với hiện trạng đã đào múc, không thi công được đúng như “bản vẽ thiết kế sơ bộ được đưa ra” thì tại sao không tiến hành đào múc phẳng để tạo mặt bằng, vừa không phải thi công và tốn chi phí cho việc chống sạt trượt thì ông Phương cho rằng nếu cho đào múc hết thì đơn vị thi công họ “thích quá” nhưng sẽ tốn thêm chi phí.
Được biết, trước đó Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận giải pháp điều chỉnh độ dốc mái taluy từ 1/1 thành 1/2 cho đoạn tuyến này. Tiếp đó, phía chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình cũng đã đưa ra phương án đào ngả mái taluy dương đoạn này với hệ số dốc mái tối thiểu 1/1,5 và được Tổng cục đường bộ Việt Nam chấp thuận cho dọn toàn bộ đất sụt, trượt, cắt cơ hạ tải giảm bớt một phần mái dốc tại vị trí nguy cơ sạt trượt. Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình đã phê duyệt Quyết định số 54/QĐ-BOTQL6 ngày 18/10/2021 phê duyệt chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Phương Nam thi công trong thời hạn 30 ngày với giá trị hợp đồng tạm tính là hơn 3 tỷ 945 triệu đồng theo hình thức hợp đồng điều chỉnh giá.