Án binh bất động?
Tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội vừa diễn ra, các đại biểu đã chất vấn, yêu cầu lãnh đạo thành phố trả lời vì sao trên địa bàn còn khá nhiều dự án chậm triển khai, có dự án thu hồi đất nông nghiệp tới 10 năm nhưng tới nay vẫn “án binh bất động”? Một số đại biểu cho rằng, đây là sự lãng phí lớn về nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan Thủ đô.
Theo báo cáo giải trình của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, từ năm 2017 đến nay đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng vốn hơn 548 nghìn tỷ đồng. Hiện có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng. Như vậy mới chỉ có 54/206 dự án hoàn thành (chiếm hơn 26%), còn lại là “đang” và “sẽ” triển khai.
Mặc dù đã viện ra hàng loạt lý do khách quan để giải thích cho sự chậm trễ của các dự án, nào là thay đổi quy định của Luật Đầu tư, nào là các chủ đầu tư không tích cực hợp tác... Song, chốt lại thì ông Tuấn cũng phải thừa nhận rằng, trong việc chậm triển khai các dự án có trách nhiệm của các sở, ngành trong đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư.
Lý giải cho hàng loạt dự án chậm triển khai dù đã thu hồi đất của dân rất lâu, có nơi lên tới 10 năm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường khẳng định, đơn vị này nhận được kiến nghị thu hồi 30 dự án, nay đã thu hồi 10 dự án (?). Còn tới 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai, 77 dự án đã được chủ đầu tư “tích cực khắc phục”, đưa đất vào sử dụng.
Có tới 30 dự án vi phạm quy định của pháp luật dẫn tới kiến nghị thu hồi, nhưng vì sao UBND TP Hà Nội lại chỉ thu hồi được có 10 dự án, 20 dự án còn lại thì “vướng” vấn đề gì? Liệu có phải đó là các dự án mà chủ đầu tư là những đại gia “tay to”, hay có mối quan hệ đặc biệt với lãnh đạo thành phố, hoặc giả là “cậu ấm, cô chiêu” của ông quan nào?
Còn cái gọi là các chủ đầu tư của 77 dự án đã “tích cực khắc phục”, đưa đất vào sử dụng xem ra cũng rất mù mờ, không rõ ràng. Các chủ đầu tư đã “khắc phục” như thế nào? Liệu có phải là tới cuốc vài cuốc đất, dựng lên một cái lều tạm đã được coi là đưa đất vào sử dụng? Hay chỉ cho người tới quây rào khu đất lại cũng được coi là đã “khắc phục”?
Lẽ ra, với các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND, đại diện UBND TP Hà Nội phải giải trình cặn kẽ, tường tận để không chỉ các đại biểu dân cử, mà người dân cũng được tường tận minh bạch về các dự án. Chưa kể mọi người dân đều có quyền giám sát cơ quan chức năng theo quy định, chỉ riêng những nông dân bị thu hồi đất cũng đã có quyền được biết đất lúa sau khi bị thu hồi sẽ phát huy hiệu quả kinh tế cho địa phương như thế nào.
Song, lâu nay mọi thứ liên quan đến quản lý đất đai, thu hồi đất triển khai dự án của không ít địa phương, trong đó có Hà Nội vẫn cứ “u u minh minh”. Người dân chỉ biết chấp hành quyết định thu hồi đất của chính quyền, mà thậm chí còn không biết mảnh ruộng mình vẫn canh tác lâu nay thu hồi để làm gì, thực hiện dự án nào, tốt cho địa phương hay không?
Có lẽ đó chính là lý do mà một số cá nhân và cơ quan có thẩm quyền cứ việc phê duyệt các dự án, không cần quan tâm nó có khả thi khi triển khai trong thực tế hay không, cũng chẳng cần quan tâm đất lúa bị bỏ hoang bao lâu. Điều đó lý giải vì sao không ít dự án được cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng xong tới 10 năm mà chủ đầu tư không làm gì.
Nay, chỉ đơn giản là trả lời cho rõ, sòng phẳng thông tin một cách công khai, minh bạch mà đại diện UBND TP Hà Nội còn chưa làm được, nói gì đến việc chế tài đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chiếm đất rồi để không. Dư luận xã hội hy vọng các đại biểu dân cử của Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ các cơ quan chức năng để không còn cảnh lãng phí đất đai với những “dự án giấy” như hiện nay nữa.