‘Thúc’ tiến độ dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông
Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hành lang vận tải trên trục Bắc-Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.
Ông Thể thông tin, nguồn vốn sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 146.990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Giai đoạn 2026-2030 sẽ bố trí phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%). Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho dự án, kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.
Về nguồn vốn và giải ngân vốn, ông Thanh cho rằng, Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung cho Dự án sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, tuy nhiên hiện nay nội dung này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Từ đó ông Thanh đề nghị, Chính phủ cần tính toán kỹ, đề xuất danh mục chi tiết những dự án nào đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc nêu trên và bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng trong Chương trình, xây dựng phương án phân bổ vốn hợp lý.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là dự án đặc biệt quan trọng cần được triển khai nhanh. Theo đó, cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư trong giai đoạn 2 không để lặp lại như giai đoạn 1, mất nhiều thời gian chuẩn bị. “Ta cứ nói chậm, vướng pháp luật nhưng không hẳn như vậy. Vướng gì trong Luật Đầu tư công đã sửa, PPP đã sửa, nhưng thay đổi đấu thầu, đầu tư mất 3 - 4 năm, nên đừng để giai đoạn 2 rơi vào trình trạng như vậy” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp bất thường tới đây, việc đầu tư toàn bộ Dự án bằng vốn đầu tư công. Chính phủ cần tiếp thu các ý kiến của cơ quan thẩm tra và các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp hôm nay. Ông Hải cũng đề nghị, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí từ nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn thực hiện dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2024-2025, và thống nhất dự án đầu tư công và bố trí vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần rà soát tổng mức đầu tư đảm bảo tiết kiệm, tránh ảnh hưởng tới môi trường, cũng như lựa chọn công nghệ dự án hiện đại.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV. Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV với tối đa 4 nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí nếu bảo đảm các điều kiện chuẩn bị, sau đợt 2 của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 6 sẽ trình Bộ Chính trị về chủ trương xin phép về việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV vào đầu năm 2022, sớm nhất ngày 4/1/2022 mới có thể khai mạc. Bố trí đủ thời gian để đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường, không giới hạn thời gian 3,5 ngày hay 4 ngày, nên ít nhất phải 5 ngày thì kỳ họp mới chất lượng” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.