Tan Cheng Hoe tay trắng vì cùng thời với tuyển Việt Nam
Nếu có một điều ước, Tan Cheng Hoe có lẽ sẽ ước thời đại của ông và tuyển Malaysia không có kẻ ngáng đường khó chịu mang tên Việt Nam.
“Đội bóng nào có thể bất bại mãi thế?”, HLV trưởng Tan Cheng Hoe bực tức trả lời câu hỏi từ truyền thông Malaysia trước trận gặp Việt Nam hồi tháng 6.
Malaysia khi đó đã không thắng Việt Nam trong cả 4 lần đối đầu gần nhất. Ông Tan vừa không vui khi liên tục bị hỏi về Việt Nam, vừa chẳng hài lòng vì chưa thể đánh bại đối thủ. Ông bảo rằng đội mình đã nghiên cứu Việt Nam kỹ lắm rồi, rằng sau mỗi thất bại chúng tôi đều rút kinh nghiệm, rằng sẽ làm tất cả, rằng...
Sân Al Maktoum hôm 11/6, Malaysia thua 1-2.
Nếu không có Việt Nam của ông Park Hang-seo
Kỷ nguyên thành công nhất lịch sử bóng đá Malaysia từng được bắt đầu bằng chiến thắng trước Việt Nam ở SEA Games 2009. Như một lời đáp trả, kỷ nguyên thành công thứ hai của người Malaysia đã bị cản đường bởi Việt Nam.
5 trận không thắng Việt Nam (4 thua, một hòa) dưới thời ông Tan Cheng Hoe đều diễn ra ở những đấu trường quan trọng bậc nhất. AFF Cup, tuyển Việt Nam vô địch còn Malaysia về nhì. Vòng loại World Cup, Việt Nam nhì bảng và đi tiếp, Malaysia về thứ ba.
Xuống cấp U23, tình hình cũng không khác.
U23 châu Á 2018 chứng kiến Việt Nam vào chung kết, làm mu mờ chiến công tứ kết của Malaysia. Nửa năm sau tại Asian Games, Olympic Malaysia đứng nhất vòng bảng khi ở cùng Hàn Quốc thì Việt Nam không chịu thứ hai dù ở cùng Nhật Bản. Tới vòng knock-out, Malaysia dừng bước còn Olympic Việt Nam đi một lèo tới bán kết.
Dưới thời ông Park, tuyển quốc gia và đội U23 Malaysia đá mãi không thắng được Việt Nam. Người Malaysia làm được gì ở Đông Nam Á và châu lục thì tuyển Việt Nam sẽ làm tốt hơn thế. Những thành tích ở trên đều là hay bậc nhất lịch sử bóng đá Malaysia và Đông Nam Á, nhưng chúng đều bị phủ bóng bởi các đội tuyển Việt Nam.
Theo những chuẩn mực Đông Nam Á, Malaysia của ông Tan dường như chẳng thiếu một thứ gì. Họ duy trì được mạch đào tạo trẻ, có không ít cầu thủ nhập tịch chất lượng, có một giải vô địch quốc nội được đầu tư lớn. Họ ổn định ở khu vực, tạo ấn tượng tại châu lục trong một thời gian dài. Tuyển Malaysia của ông Tan tăng từ hạng 174 FIFA lên 154 trong 4 năm qua.
Malaysia của Tan Cheng Hoe thậm chí bất bại trước Thái Lan ở 4 trận gần đây, trong đó có 2 lần quật ngã đối thủ tại vòng loại World Cup. Ở một giai đoạn lịch sử khác, đội tuyển nào “đè” được Thái Lan đều sẽ là ông vua Đông Nam Á. Nhưng Malaysia chẳng có được điều đó. Bởi 4 năm ấn tượng của Tan Cheng Hoe cũng là 4 năm rực rỡ của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo.
Ông Tan hay nhưng trắng tay, tuyển Malaysia mạnh nhưng chẳng có một danh hiệu nào.
Sau thất bại ở AFF Cup 2018, ông Tan đã liên tục bị hỏi về Việt Nam. Hồi tháng 6, ông bảo: “Dù đã không thắng họ trong 4 lần gặp nhau gần đây, tôi chắc chắn rằng chúng tôi đã hiểu rõ chiến thuật và phong cách của Việt Nam. Chúng tôi đã tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu về họ. Lần nào gặp Việt Nam, Malaysia cũng có những cơ hội trước cầu gôn. Chúng tôi chỉ cần sắc sảo hơn một chút trong dứt điểm thôi”.
Nhưng một chút sắc sảo hơn ấy vẫn chưa tới. Và ngày mai, tuyển Malaysia sẽ gặp Việt Nam lần thứ 6 trong 4 năm qua.
Trả thù cũ hay sâu thêm nợ mới?
Không phải tới bây giờ, duyên nợ của ông Tan Cheng Hoe với các đội tuyển Việt Nam mới bắt đầu. Sợi chỉ định mệnh đã nối Tan với Việt Nam từ 12 năm trước. Dưới tư cách trợ lý của Rajagobal Krishnasamy ở đội tuyển và U23 Malaysia, sự nghiệp của Tan có những chương đẹp như mơ khi giành HCV SEA Games 2009 và vô địch AFF Cup 2010 đều sau các trận thắng Việt Nam.
Danh hiệu ở đội tuyển mở đường cho ông tới vinh quang cấp CLB.
Năm 2014, ông Tan về đội hạng Nhì Kedah và đưa đội lên hạng ngay năm kế tiếp. Ba năm của ông, Kedah giành 3 chiếc cúp còn bản thân Tan trở thành HLV hay nhất Malaysia mùa 2016. Những danh hiệu ấy đưa ông trở lại tuyển Malaysia. Lần này đương nhiên trong vai trò HLV trưởng.
Tháng 10/2017, HLV Park Hang-seo nhận nhiệm vụ ở tuyển Việt Nam. Hai tháng sau, tới lượt Tan nắm quyền ở Malaysia. Từ đó, họ tạo nên cuộc song đấu suốt 4 năm qua ở Đông Nam Á. Rõ ràng nếu không có ông Park và tuyển Việt Nam, sự nghiệp của HLV Tan sẽ rực rỡ hơn nhiều.
So với Rajagobal hay Karl-Heinz Weigang, người giúp Malaysia giành HCV SEA Games 1979, HLV Tan không kém tài năng. Ông thậm chí là chiến lược gia có tỷ lệ chiến thắng cao nhất lịch sử tuyển Malaysia với 52,9% (chỉ tính những người có trên 10 trận). Ông có bằng HLV Pro, từng tu nghiệp ở châu Âu và Trung Quốc, có trường phái, có phong cách huấn luyện riêng độc đáo được các học trò gọi tên (Cheng Hoe-ball). Ông chỉ thiếu một danh hiệu.
Để thay đổi điều còn thiếu ấy, ông Tan cần thắng Việt Nam ở giải đấu lần này. Nhưng đó không phải thử thách dễ dàng trong bối cảnh hiện tại của tuyển Malaysia.
Đội tuyển của ông Tan vắng hàng loạt ngôi sao nhập tịch và Mã kiều như Mohamadou Sumareh, Brendan Gan, Liridon Krasniqi, La'Vere Corbin-Ong hay Matthew Davies. Họ đều là hạt nhân trong kế hoạch tăng cường sức mạnh của tuyển Malaysia thực hiện từ năm 2018 tới nay. Với họ, Malaysia từng có những trận ngang ngửa tuyển Việt Nam. Nhưng giờ thì tất cả đã vắng mặt.
Không có họ, hai chiến thắng trước Lào, Campuchia cùng ngôi nhất bảng chưa thể khiến người Malaysia yên lòng. Bởi Lào quá yếu còn Campuchia quá ngây thơ về chiến thuật. Tổn thất của Malaysia càng nặng nề hơn khi sao trẻ mới nổi Akhyar Rashid mắc Covid-19. Cầu thủ sinh năm 1999 là cái tên thứ 4 của Malaysia mắc bệnh sau khi nhập cảnh Singapore. Đương kim á quân vì vậy chỉ còn 19 cầu thủ cho trận đấu với Việt Nam, vốn có lực lượng mạnh và đã nghỉ suốt sau ngày 6/12 tới nay.
Một trận đấu khó khăn nữa có lẽ đang chờ ông Tan và bóng đá Malaysia.
Thầy nội vừa là điểm mạnh, vừa là hạn chế của Malaysia
Khác với hầu hết đội mạnh trong khu vực, Malaysia nhiều năm qua luôn dành ưu ái cho những HLV nội. Datuk K. Rajagobal (HCV SEA Games 2009), Ong Kim Swee (HCV SEA Games 2011) hay Tan Cheng Hoe đều là những trí tuệ trong nước. Họ đều chưa từng thi đấu hay làm việc tại nước ngoài khi lên tuyển Malaysia. Trừ giai đoạn ngắn của Frank Bernhardt, Malaysia chẳng có thêm HLV ngoại nào từ 2005 tới nay.
Đó là điều đặc biệt trong bối cảnh các đội Đông Nam Á đều cần thầy ngoại để thành công.
Có hai giả thiết liên quan tới thành công của HLV bản địa ở Malaysia. Thứ nhất, Malaysia vốn là trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC). Các chiến lược gia Malaysia chẳng cần đi đâu để đón nhận tinh túy bóng đá châu lục. Thứ hai, Malaysia sở hữu giải quốc nội chất lượng Super League, có đãi ngộ rất cao, có suất vào thẳng vòng bảng Champions League. Thu nhập, cơ hội và danh tiếng đều đã có đủ với các HLV Malaysia ở trong nước.