Giải bài toán kích cầu nội địa
Để thúc đẩy nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thời điểm cuối năm, Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu giải pháp: Hà Nội cũng khuyến khích các đơn vị tổ chức sự kiện, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ Tết bằng các hình thức phù hợp, đảm bảo đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch; tiếp nhận, hướng dẫn các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tổ chức các chương trình khuyến mại phục vụ nhân dân trong dịp Tết theo đúng quy định.
Theo bà Phương Lan, với kinh nghiệm đã thực hiện nhiều năm, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu và chương trình dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai để chủ động về hàng hóa, ổn định giá cả cũng được đẩy mạnh nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết, đặc biệt là đảm bảo hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19.
Thời điểm này, Giám đốc Sở Công thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho biết, việc tổ chức tháng khuyến mại có ý nghĩa rất quan trọng, là cầu nối cho người kinh doanh và người tiêu dùng gặp nhau. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa của TP HCM từ đầu năm tới nay chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ.
Dịp cuối năm, với các chính sách kích cầu và chương trình khuyến mại tập trung, TP HCM kỳ vọng sẽ hỗ trợ người tiêu dùng tăng cường mua sắm, thậm chí có thể tiếp cận với những sản phẩm thương hiệu quốc tế với giá cả phù hợp.
Để sức mua bật tăng dịp cuối năm, về phía chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng cần mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tín chấp với các điều khoản linh hoạt hơn cho phép người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Đồng thời mở rộng và đa dạng các kênh liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân có thể thuận lợi mua sắm hàng hóa tương tự như với các sản phẩm bảo hiểm, bất động sản đang được ngân hàng và doanh nghiệp rầm rộ triển khai.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho vay tiêu dùng dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp sẽ là nguồn hỗ trợ tài chính cho các nhu cầu mua sắm. Hoạt động này giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thời gian tới sẽ triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhìn nhận: Thực tế tài chính tiêu dùng của Việt Nam phát triển vẫn chậm nếu so với ngay cả những nước trong khu vực. Dù phát triển nhanh nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu so với các nước nước trong khu vực như Malaysia (15%), Thái Lan (17%), Indonesia (22,7%), Hàn Quốc (35%) thì tỉ lệ ở Việt Nam còn quá nhỏ.
Thực tế đó cho thấy, dư địa phát triển cho lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều cho các ngân hàng, công ty tài chính.
“Nhưng tín dụng tiêu dùng qua nhiều vụ việc cũng gặp phải một số bất cập cho thấy, việc tiếp cận gần hơn với người dân cần được cải thiện. Quá trình thẩm định, lãi suất, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đang trở thành những rào cản lớn và vô tình đã đẩy người dân về phía “tín dụng đen” đi cùng là những hệ lụy tiêu cực”, TS Cấn Văn Lực lưu ý.
Trước lo ngại của người dân về việc giá cả hàng hóa sẽ tăng vào cuối năm dù sức mua chậm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, hàng hóa đang tăng và phải tăng đương nhiên, bởi vì giá nguyên liệu đầu vào sản xuất đang tăng. Ví dụ như thức ăn chăn nuôi tăng sẽ khiến giá đầu ra tăng theo. Chỉ có điều mức tăng đó có phù hợp hay không.
Do đó, làm thế nào để có một giá cả phù hợp cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới là câu hỏi đặt ra. Vấn đề quan trọng giá xăng tăng, nguyên vật liệu tăng chúng ta phải chấp nhận vì ta sống cùng cộng đồng quốc tế. Chỉ có điều hàng hoá tăng theo giá xăng, hay giá vàng… việc tăng đó có đúng hay không?
Trước hết là cần quản lý những hàng hóa mang tính thiết yếu của xã hội. Nhà quản lý không thể để cho hàng hoá tự do trôi nổi được. Như với mặt hàng bình ổn giá cần được kiểm soát rất chặt.
Mặt khác, với những mặt hàng nhà nước không kiểm soát giá thì cũng phải quản lý để giá cả tăng thì làm sao tăng cho phù hợp. Bởi xăng tăng từ 30-40%, giá hàng cũng tăng bằng như vậy là không được. Giá xăng tăng tác động đến sản xuất kinh doanh khác nhau, giá hàng khác nhau. Nhưng bình quân cho nền kinh tế thì giá xăng chỉ tác động khoảng 3,4 %. Rõ ràng là phải có kiểm tra giám sát để chủ động đảm bảo các nguồn lực.
“Việc đẩy mạnh tiêu dùng trong dịp Tết cũng là việc rất quan trọng. Rõ ràng với chính sách hỗ trợ và khuyến khích của nhà nước, chúng ta cũng hy vọng rằng giá cả tương đối ổn định và đảm bảo nhu cầu chi tiêu của người dân trong dịp Tết một cách tốt nhất”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.