Quá đà, game show!
Theo dõi game show, chương trình giải trí kết hợp truyền hình thực tế trên truyền hình thời gian vừa qua, người dễ tính cũng phải lắc đầu trước một số hiện tượng ngày một có vẻ đi quá xa, quá đà hơn. Gần đây nhất là chương trình “Hành lý tình yêu”, tập thứ 4, đã khiến dư luận bức xúc.
1. Chương trình “Hành lý tình yêu” do TV HUB sản xuất, khi phát sóng tập 4 trên VTV3 đã khiến nhiều người bất bình. Theo đó, trong chương trình, một người chơi được giới thiệu là Công Hoàng, 30 tuổi, gốc Huế, hiện là kế toán ở TP HCM.
Trong chương trình, Hoàng bày tỏ nhiều quan niệm về tình yêu, hôn nhân, trong đó gây phản ứng với tuyên ngôn “Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh con trai”. Theo giải thích của “chàng trai gốc Huế” thì đó cũng là mong muốn của gia đình anh - những người rất coi trọng việc phải có con trai nối dõi, “đàn ông ngồi mâm trên, đàn bà chỉ ngồi mâm dưới”.
Ngay sau khi phát sóng, nhiều khán giả, nhất là khán giả ở Huế đã bày tỏ sự không đồng tình với phát ngôn này. Có ý kiến cho rằng, chương trình đã khoét sâu vào tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Ý kiến khác thẳng thắn chỉ ra tập 4 của “Hành lý tình yêu” đã làm “vấy bẩn” nét đẹp của văn hóa Huế.
Không lâu sau đó, trước phản ứng của dư luận, nhà sản xuất đã ẩn nội dung phát sóng gây tranh cãi trên các nền tảng trực tuyến khác. Trước sức ép của dư luận, ngày 3/12 Công Hoàng đã quay video gửi lời xin lỗi đến các ban ngành, đoàn thể, người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và cộng đồng mạng.
Hoàng cũng đã đăng đàn bày tỏ, anh không nghĩ mọi chuyện đi quá xa và anh trở thành “tâm bão” dư luận như thế. Hoàng muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến khán giả và những khán giả ở Huế, vì những phát ngôn của bản thân đã ảnh hưởng lớn đến người dân.
Còn đại diện nhà sản xuất TV HUB cũng đã lên tiếng, cho rằng, “Hành lý tình yêu” chương trình là sân chơi tạo cho các bạn trẻ có cơ hội được nói ra những bí mật, những điểm yếu của mình, những quan điểm của mình nhằm mục đích để tìm hạnh phúc, đặc biệt là ở giai đoạn trước khi bước vào hôn nhân và cuộc sống gia đình...
Tiếp đó, đại diện nhà sản xuất còn nói thêm: “Chương trình xin khẳng định rằng quan điểm sống cũng như câu chuyện của bạn Công Hoàng chia sẻ trong chương trình không đại diện cho phong tục tập quán hay văn hóa vùng miền nào” và “việc lắng nghe quan điểm của các cá nhân thiết nghĩ cũng là điều cần làm. Đặc biệt việc dám bộc bạch những điểm yếu của bản thân, thay vì chỉ khoe ra những điểm mạnh là việc không dễ. Chương trình đã làm được điều đó, qua đó cũng gián tiếp giúp cho các bạn trẻ xem chương trình tránh những hành xử không đúng mực”.
Tuy nhiên, sau phản hồi của nhà sản xuất, khán giả tiếp tục phản ứng dữ dội. Trên các diễn đàn mạng xã hội, đặc biệt là các hội nhóm, nhiều ý kiến cho rằng phát ngôn của đại diện chương trình “Hành lý tình yêu” thể hiện sự quanh co, tìm cách đổ lỗi cho người chơi thay vì nhận trách nhiệm.
Sau nhiều ngày im lặng, mới đây, đạo diễn Nguyễn Nam - người thực hiện chương trình “Hành lý tình yêu” cũng đã viết thư xin lỗi gửi đến khán giả.
“Trước những dư luận trái chiều về sự việc Công Hoàng (hay Trương Công Hoài) - người chơi tham gia chương trình “Hành lý tình yêu” tập 4 với bí mật “Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh con trai” đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, bên cạnh đó những chia sẻ thêm của người chơi đã gây ra phản ứng với khán giả Huế.
Đạo diễn và ê kíp chương trình xin nghiêm túc tiếp thu những phản hồi và góp ý của khán giả. Qua báo chí và mạng xã hội, chúng tôi chân thành gửi lời xin lỗi đến khán giả Huế về việc đã đưa ra quan điểm và câu chuyện của một cá nhân thiếu khéo léo, có thể dẫn đến những hiểu lầm về văn hóa vùng miền. Để khắc phục những thiếu sót nêu trên, chương trình sẽ biên tập cắt bỏ những nội dung này”.
2. Công Hoàng khi thanh minh cho hành động của mình, đã tiết lộ một “bí mật động trời”: Tôi chỉ làm theo kịch bản. Khán giả có thể hiểu rằng, những phát ngôn ấy nằm trong ý đồ của nhà sản xuất, của đạo diễn chương trình nhằm tạo “ép phê” cho chương trình.
Cộng đồng mạng sau đó còn biết, Hoàng cũng “giống như một diễn viên”, tham gia hết game show này đến game show khác. Mỗi game show anh lại “hóa thân” vào một “nhân vật” khác nhau. Trước đó, anh sắm vai là lễ tân khách sạn trong chương trình “Cho phép được yêu” phát sóng hồi tháng 5/2021.
Từ câu chuyện này, nhìn lại thời gian qua, không ít các game show, chương trình giải trí được phát sóng trên truyền hình đã khiến dư luận bày tỏ sự không đồng tình, thậm chí gây dư luận không tốt. Nhiều chương trình phát sóng, khán giả cho rằng nội dung nhảm nhí, thể hiện sự coi thường với người xem.
Chẳng hạn ở tập 7 của “Kèo này ai thắng” khán giả bất bình về đạo cụ dung tục, phản cảm. Nữ người mẫu đã dùng tay và miệng ngậm củ cải trắng để người chơi ném dao. Củ cải chỉ là một đạo cụ, có thể thay thế bằng nhiều vật khác mà hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng ném dao của người chơi.
Còn trong “Ngôi sao tình yêu”, nữ chính Khánh Linh ăn mặc phản cảm gần như lộ nửa khuôn ngực. Không dừng lại ở đó, người chơi nam cũng bắt đầu tựa đầu vào vai, ngực và đùi Khánh Linh vô cùng thoải mái…
Hay gần đây là tiết mục “Cô gái gen Z” của ca sĩ Han Sara trong chương trình “The Heroes” cũng gây ra sự bức xúc của dư luận…
Điều đó cho thấy, cần tiếp tục có sự quản lý chặt chẽ hơn các game show, chương trình giải trí, hay các chương trình truyền hình dạng thực tế được phát sóng trên truyền hình. Vẫn biết, khi khán giả phản ứng các đơn vị phát sóng thường lý giải, đó là do các chương trình dạng “xã hội hóa”.
Có nghĩa rằng, đó không phải do “nhà đài” trực tiếp sản xuất mà do các đơn vị liên kết sản xuất. Nhưng việc phát sóng được trên một đài truyền hình thì đều phải thông qua công tác kiểm duyệt. Chính vì vậy, để xảy ra những chương trình phát sóng gây phản cảm, tranh luận như vừa kể trên, rõ ràng đang có một lỗ hổng cần phải bịt lấp. Nếu không, các game show ngày càng quá đà, gây nguy hại cho văn hóa!