Khi hai ‘sếp’ y tế bị bắt
Cùng 1 ngày (10/12/2021), ông Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị bắt tạm giam, do những sai phạm nghiêm trọng trước đó.
1. Ông Trương Quốc Cường bị bắt tạm giam sau hơn một tháng bị khởi tố với cáo buộc thiếu trách nhiệm để 7 loại thuốc giả nhãn mác nhập về Việt Nam tiêu thụ gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với ông Trương Quốc Cường, bằng việc phê chuẩn lệnh bắt tạm giam.
Đây được coi là động thái “cao trào” của vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).
Vụ án này từng gây rúng động dư luận đã kéo dài hơn 7 năm, trải qua 2 giai đoạn điều tra. Ông Trương Quốc Cường đã bị khởi tố sau 2 lần Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan an ninh điều tra bổ sung. Lúc đó, ông Cường là Cục trưởng Cục Quản lý dược kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc. Sau đó, ông Cường được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Y tế (ngày 21/11/2016).
Đáng chú ý, trong vụ án này, cơ quan an ninh điều tra cũng cho rằng còn có trách nhiệm của ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc. Cơ quan an ninh điều tra cho rằng, hành vi sai phạm của ông Quang có dấu hiệu phạm vào tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, ông Quang còn có dấu hiệu vi phạm quy định tại Pháp lệnh Lãnh sự năm 1990 và Thông tư 01/1999 của Bộ Ngoại giao.
Tuy nhiên, sự việc không “chìm xuồng”. Ngày 19/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Với cá nhân ông Cường, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Ông Trương Quốc Cường 60 tuổi. Năm 2006, là Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Từ năm 2007, là Cục trưởng Cục Quản lý dược. Ngày 25/4/2013, được bổ nhiệm lại chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý dược. Ngày 21/11/2016, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.
Cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì (ngày 19/11/2021) xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Y tế. Kết luận dành cho ông Trương Quốc Cường là: vi phạm rất nghiêm trọng, làm thiệt hại, thất thoát, lãng phí lớn, làm giảm uy tín của ngành Y tế, của tổ chức đảng. Ban Bí thư quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trương Quốc Cường.
2. GS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố vì những vi phạm khi còn là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Tuy nhiên, vào thời điểm khởi tố, ông Tuấn là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 21/10/2021, ông Tuấn bị cơ quan điều tra khởi tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra. Cho tới ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh bắt bị can để tạm giam, sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Vào thời điểm cơ quan điều tra khởi tố ông Tuấn đã gây rúng động dư luận bởi ông từng là giám đốc của hai bệnh viện lớn, là chuyên gia đầu ngành tim mạch - nhưng lại có những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc “thổi giá” thiết bị y tế. Kết quả điều tra đến nay xác định, một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số cán bộ Công ty cổ phần đầu tư định giá AIC VN đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội, gây thiệt hại 40 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng đã bị nâng không lên thành 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý. Chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá đã nâng khống khi đưa vào lắp đặt thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, 54 tuổi, từng là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ông Tuấn tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội (năm 1994) ngành bác sĩ đa khoa, sau đó tiếp tục học bác sĩ nội trú chuyên ngành tim mạch.
Năm 1996, ông Tuấn đi tu nghiệp chương trình 2 năm tại Đại học Toulouse (Pháp), học về ngành Tim mạch can thiệp.
Năm 1997, tốt nghiệp Trường Đại học Toulouse loại xuất sắc và nhận được lời mời ở lại làm việc nhưng ông Tuấn đã quyết định quay về Việt Nam. Năm 2005, ông Tuấn bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội. Năm 2009, được phong hàm Phó giáo sư. Năm 2018 được phong hàm Giáo sư.
Ông Nguyễn Quang Tuấn nổi tiếng với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)”. Năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Năm 2020, là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Tuy nhiên, với những sai phạm nghiêm trọng tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong thời gian ông là Giám đốc, đến ngày 22/10/2021 ông bị đình chỉ chức vụ khi đang là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 21/10/2021, ông Tuấn bị khởi tố bị can về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 10/12/2021, ông Tuấn bị bắt tạm giam.
Ông Tuấn trước khi bị bắt (khi là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), còn là Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương (FAPSIC), Thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ (FSCAI).