Hội chứng ‘hậu Covid-19’
Covid-19 - đại dịch thế kỷ, không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng mà ngay cả những F0 khỏi bệnh cũng sẽ mắc ít nhất một trong hơn 200 triệu chứng “hậu Covid-19” gây ra. Theo các chuyên gia y tế, mệt mỏi, đánh trống ngực, rụng tóc, nhức đầu, khó thở... là những triệu chứng thường gặp.
Không chủ quan
Những ngày gần đây, nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 được xuất viện vẫn tiếp tục phải nhờ bác sĩ theo dõi do phải chống chọi với các triệu chứng “hậu Covid-19”. Bệnh nhân T.N.L. (27 tuổi, ở TP HCM) sau ra viện hơn 2 tuần vẫn tiếp tục sút cân, gầy rộc, đi lại còn khó khăn, nhịp tim nhanh.
Hay bệnh nhân K.T.H. (60 tuổi, ở TP HCM) cũng gặp tình trạng suy nhược cơ thể sau khi xuất viện, tóc rụng nhiều…
Là người từng trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM, ThS.BS Lê Xuân Hà (Bệnh viện Hữu nghị) vẫn thường xuyên theo sát diễn biến sức khoẻ và hỗ trợ, hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho một số bệnh nhân Covid-19 từng nằm điều trị tại ICU đã ra viện.
Theo BS Hà, tình trạng “hậu Covid-19” với các bệnh nhân đã chữa khỏi Covid-19 cũng là vấn đề đáng quan tâm; với một số người bệnh, các triệu chứng này còn kéo dài, dai dẳng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của họ.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi cho các bệnh nhân sau ra viện, thậm chí vẫn phải theo dõi các chỉ số hàng ngày cho bệnh nhân”, BS Hà nói.
Thời gian gần đây, việc chăm sóc cho người bệnh sau xuất viện cũng là vấn đề được nhiều bệnh viện quan tâm. Bởi các triệu chứng “hậu Covid-19” thậm chí còn phức tạp không kém khi bệnh nhân đang điều trị.
Tại BV Đại học Y dược TP HCM sau khi đưa vào hoạt động phòng khám hậu Covid-19 được 3 ngày, các bác sĩ mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 trường hợp đến khám, trong đó chủ yếu là những bệnh nhân có ít nhất 3 triệu chứng phổ biến trở lên như: khó thở, mệt mỏi và rụng tóc.
TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng hô hấp (Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM) cho biết: “Trên thế giới đã nghiên cứu có hơn 200 triệu chứng liên quan đến hậu Covid-19 như: Rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm, mất mùi, lệch mùi, khó thở, hồi hộp, biếng ăn, khớp đau… Nếu bệnh nhân có ít nhất 5 triệu chứng thì khả năng cao đã bị ảnh hưởng hậu Covid-19”.
Cũng theo các bác sĩ, hội chứng hậu Covid-19 đa phần phục hồi nhưng nhanh hay chậm tùy thuộc vào mỗi người khác nhau, chỉ có một số ít để lại di chứng lâu.
“Chúng tôi lo ngại nhất là phổi, bệnh nhân bị tổn thương phổi trong giai đoạn cấp Covid-19. Đặc biệt, bệnh nhân không đến khám lâu ngày sẽ thành di chứng lâu dài, phổi hạn chế đi dẫn đến bệnh nhân khó thở một cách dai dẳng, khi trễ thì vấn đề phục hồi cực kỳ khó khăn”, BS Vinh cho biết thêm.
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra, tất cả những người đã từng nhiễm Covid-19 sẽ có ít nhất một triệu chứng “hậu Covid-19”. Những người bị Covid-19 nhập viện phải thở máy, thì nguy cơ “hậu Covid”-19 là cao.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1), có thể chia làm 3 nhóm đối tượng có triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục.
Nhóm thứ nhất, sau khi có kết quả âm tính Covid-19, nhiều người quá lo lắng cho sức khỏe, sợ hãi các món ăn, không dám ăn gì. Nhiều người bệnh cảm thấy mình gặp vấn đề về tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, xương khớp, rối loạn thần kinh,... nhưng sau khi tiến hành các xét nghiệm thì không có kết quả. Nguyên nhân có thể do stress hoặc stress nặng đến mức trầm cảm.
Trong trường hợp này, bác sĩ Khanh cho rằng, phải giảm stress thì mới giảm các triệu chứng trên. Giảm stress bằng cách từ chối những thông tin tiêu cực về Covid-19, tìm kiếm thông tin tích cực, thảo luận với bác sĩ để giữ tinh thần lạc quan. Ngoài ra, người bệnh cần tạo thói quen sinh hoạt điều độ: ngủ sâu, đủ giấc, ăn đầy đủ trái cây, không ăn nhiều mỡ, uống đủ nước và thường xuyên tập luyện thể thao.
Nhóm thứ hai: Người bệnh có các hội chứng “hậu Covid-19” kéo dài 1-3 tháng. Với nhóm này, bác sĩ Khanh so sánh với việc hồi phục sau bệnh sởi, thương hàn. Bác sĩ nói về việc sau khi bệnh thương hàn, người bệnh suy sụp, rụng tóc nhiều, xuống cân bởi cơ thể cần huy động tất cả năng lượng để chống lại vi khuẩn, tạo hệ thống miễn dịch khi vi khuẩn tấn công lần 2.
Nhóm thứ ba là người bệnh có các các triệu chứng tức ngực, ho, khó thở, mệt mỏi, không thể đi đứng nổi, cơ thể mất sức, không thể suy nghĩ, tập trung,... không phải do stress. Theo các nhà khoa học nghiên cứu là do phản ứng miễn dịch sau khi khỏi Covid-19, còn lại phản ứng viêm, từ từ sẽ tiêu đi.
Điều trị và dinh dưỡng đảm bảo
TS.BS Hoàng Thị Hoa Lý, Chánh Văn phòng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: “Giai đoạn hậu Covid-19 phụ thuộc vào từng người, có thể kéo dài tới 6 - 9 tháng. Có những người rất nhanh hết nhưng những người bệnh có chuyển biến nặng thì giai đoạn hậu Covid-19 có thể sẽ vẫn còn nhiều triệu chứng dai dẳng như: Khó thở, tức ngực, đau các cơ, ăn kém, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, sụt cân, stress về tâm lý, tinh thần. Giai đoạn này cũng rất quan trọng, cần phải điều trị để người bệnh nhanh hồi phục”.
Theo đó, người bệnh vẫn cần áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó với Y học cổ truyền, có thể áp dụng cho bệnh nhân các bài thuốc nâng cao thể trạng để họ giảm suy nhược… Khi dùng các phương pháp y học cổ truyền tập thở, tập dưỡng sinh để tăng thông khí phổi sẽ làm giảm các triệu chứng này ở phổi.
Trong khi đó, BS Đỗ Thị Phương Hà, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, chăm sóc dinh dưỡng để ổn định sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho người bệnh rất quan trọng. Vì vậy, người phục hồi sau khi mắc Covid-19, nên bảo đảm ăn 3-4 bữa/ngày, có thể chia nhỏ bữa và thêm bữa phụ, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp, chín mềm. Nếu ăn không đủ, nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng 1-2 cốc/ ngày.
Nếu người bệnh ăn ít thịt, có thể thay bằng cá, tôm, cua và ăn các loại đậu, đỗ. Mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá, 3 quả trứng và ăn thêm sữa chua, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt… Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp với các bài thể dục có cường độ nhẹ nhàng, như: Yoga, dưỡng sinh… giúp sức khỏe được phục hồi.