Trồng trôm
Trôm là cây gỗ lớn, cao tới 15-20 mét. Thân của nó hình trụ, thẳng đứng, gỗ trôm có thể dùng làm đồ gia dụng hoặc dùng trong xây dựng. Cây trôm chịu hạn rất tài, không cần phải ươm tới lớn, cây con chỉ cần 50-60 cm là đưa đi trồng.
Ở cây trôm ta thu được đủ thứ. Vỏ cây dùng làm thuốc lợi tiểu, lá cây dùng làm thuốc kháng sinh và dùng để tiêu viêm, nhuận tràng. Vỏ quả có chất nhầy dùng để làm săn da. Hạt của nó có dầu béo màu vàng nhạt dùng để ăn, thắp sáng hoặc làm thuốc trị ghẻ, lở. Đặc biệt, thân cây trôm cho ra một loại nhựa rất quý. Đó là một dạng keo nở. Khi ngâm nhựa đó vào nước, nó sẽ trương lên. Người ta lấy nó để chế nước giải khát và giúp giải nhiệt rất tốt.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mủ trôm khô, màu trắng, vị ngọt tính mát, nhiều vi lượng, khoáng chất như canxi, magie, kali, natri, sắt, glucid. Mủ trôm có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc gan, hỗ trợ điều trị đối với những bệnh về gan, mật, mụn nhọt, nhuận tràng… nên người tiêu dùng rất ưa chuộng sản phẩm nước giải khát chế biến từ mủ trôm.
Hiện nay, việc trồng trôm để khai thác nhựa lại thành một nghề. Ở nhiều vùng khô hạn, bà con đang tích cực trồng trôm. Trôm có bộ rễ rất khỏe và ăn sâu trong lòng đất. Nó có thể hút nước từ những tầng đất sâu để cung cấp cho cây.
Ninh Thuận và Bình Thuận mà trồng được trôm thì có nghĩa là ở đâu hạn mấy cũng có thể trồng trôm được. Ta có thể trồng trôm từ hạt hoặc từ cành. Nếu trồng từ hạt, ta cần ủ cho nứt nanh rồi đem gieo. Gieo hạt trôm vào mùa mưa cũng có thể gieo hạt vào mùa khô nhưng ta phải ươm cây con trong vườn ươm. Chờ tới mùa mưa ta đem cây đi trồng, làm cách này thì cây đảm bảo hơn. Nếu trồng bằng cành thì ta chặt các cành bánh tẻ khoảng 20cm, đem giâm vào luống giâm có giàn che và được phun ẩm. Sau 1 đến 2 tháng cành đâm rễ, ta có thể chuyển nó vào bầu hoặc đem ngay đi trồng (nếu đúng mùa mưa). Khi trồng trôm cần đào hố và bón phân lót trước. Sau khi trồng, tưới đẫm và che chắn nó trong ít ngày. Trôm rất dễ sống và lên khỏe. Trồng trôm chỉ sau vài năm là ta có thể khai thác được nhựa.
Quy trình khai thác nhựa trôm khá đơn giản, đến độ tuổi khai thác, người trồng đục những lỗ vuông nhỏ ở phần vỏ cây cho đến khi tiếp giáp với phần gỗ, rồi bóc bỏ hẳn ô vỏ này. Từ những lỗ vuông này, nhựa trôm tiết ra và đặc quánh lại, khoảng 8 ngày sau nhà vườn bắt đầu thu gom nhựa. Người dân chủ yếu khai thác vào mùa nắng (từ tháng 11 năm trước đến tháng tư năm sau), năng suất bình quân nhựa trôm trên cây trưởng thành (khoảng 7 năm tuổi) khoảng 1 kg/cây/năm. Mủ trôm khô được các cơ sở, công ty chế biến xử lý làm sạch và chuyển thành nhiều dạng khác nhau để phù hợp với yêu cầu của thị trường như làm sang cọng nhỏ, dạng viên, dạng hạt nhỏ, dạng dây dài.
Ở nhiều vùng khô hạn, bà con loay hoay không biết chọn cây gì để trồng, sao không chọn cây trôm? Nó vừa cho ta bóng mát, chống sa mạc hóa, cho ta thu được nhựa… một công ba bốn việc đấy!