Phía sau con số 2,4 tỷ đồng/m2 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm
4 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) đưa ra đấu giá vào ngày 10/12 vừa qua đã có chủ. Trong đó, có nhiều lô đất giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Theo tính toán, để các chủ đầu tư có lợi nhuận, giá bán các căn hộ tại đây phải lên tới 300 - 600 triệu đồng/m2.
Giới bất động sản những ngày qua đang “choáng” với con số mà các doanh nghiệp trả để trúng đấu giá một số lô đất ở Thủ Thiêm. Cụ thể, để sở hữu lô đất có ký hiệu 3-5 thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm Công ty cổ phần Dream Republic bỏ ra 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm để trúng đấu giá.
Tiếp đó, lô đất có ký hiệu 3-12 có giá trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm (2.942,2 tỷ đồng), đồng nghĩa doanh nghiệp đã chi đến 2,4 tỷ đồng để mua một m2 đất.
Ngoài ra, lô đất ký hiệu 3-5 thuộc khu chức năng số 3 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đấu giá thành công với giá 3.820 tỷ đồng. Lô 3-8 được đấu giá thành công ở mức 4.000 tỷ đồng.
Sẽ thiết lập mặt bằng giá mới ở TP Thủ Đức
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Khánh Quang, Chủ tịch SREC - Cafe Bất động sản đánh giá, khi các nhà đầu tư tham gia mua vào với mức giá cao thì họ đã có đánh giá và giải bài toán lợi nhuận với mức giá này.
Rõ ràng, nếu so sánh với các căn hộ siêu cao cấp, hạng sang hiện nay về giá bán thì cũng ở mức tương đương.
“Nếu làm phép tính đơn giản, để có lợi nhuận, các chủ đầu tư sẽ phải bán giá thành phẩm (căn hộ) với mức giá từ 300 - 600 triệu đồng/m2, mới có lợi nhuận. Thực tế hiện nay, các căn hộ thương hiệu đã có giá bán ở mức tương đương. Một số căn hộ siêu sang ở Sài Gòn và Hà Nội đã có giá bán hàng trăm triệu đồng/m2. Hơn nữa, các căn hộ siêu sang trên 200 - 300 triệu/m2 vẫn đang được hấp thụ, cho nên các chủ đầu tư trúng đấu giá họ rất kỳ vọng về điều đó”, ông Quang nhận định.
Cũng theo ông Quang, với vị trí đắc địa, Thủ Thiêm được đánh giá sẽ thay thế cho trung tâm Quận 1 trong tương lai, 3- 7 năm nữa chắc chắn sẽ là đối trọng so với Quận 1.
Và khi các chủ đầu tư cùng nhau tạo ra các sản phẩm bất động sản đặc biệt, siêu sang ở những khu đất vàng đã trúng đấu giá này, chắc chắn khu vực này sẽ trở thành một khu giá VIP, riêng biệt. Mặt bằng giá mới từ đó cũng sẽ được thiết lập.
Chủ tịch SREC - Cafe Bất động sản cho rằng, đối với các bất động sản khác lân cận và trong khu vực cũng sẽ ăn theo, từ đó thiết lập một bằng giá mới. Lúc này sẽ lại tạo ra cơn sốt bất động sản.
“Hiện nay có lo ngại, việc đẩy giá lên quá cao (300 - 600 triệu đồng/m2/căn hộ) liệu có ảnh hưởng đến người mua nhà ở thật, người thu nhập thấp. Thực ra, chúng ta cần phải tách bạch vấn đề, vì khác nhau. Một vấn đề về thị trường, một vấn đề về xã hội. Về thị trường đòi hỏi sự công khai minh bạch, nên tôi cho rằng, việc đấu giá là rất thành công.
Còn việc giải quyết nhu cầu ở thật, đòi hỏi kết hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp, vì không thể đòi hỏi doanh nghiệp bán giá thấp khi mà pháp lý dự án rườm rà phức tạp, quỹ đất sạch không có".
Tạo "đất sạch" để đấu giá: Tại sao không?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết xung quanh phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) cho rằng: “Phiên đấu giá công khai, minh bạch, công bằng và cạnh tranh rất lành mạnh giữa các doanh nghiệp tham gia. Tiền đấu giá sẽ là một nguồn thu ngân sách rất lớn.
Có rất nhiều doanh nghiệp lớn tham gia như Quốc Lộc Phát, Phú Mỹ Hưng, Phát Đạt, Cát Tường, Bắc Thủ Thiêm, Bình Minh... điều này chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư vào tương lai đối với thị trường bất động sản. Điều này cũng cho thấy thị trường bất động sản TP HCM rất hấp dẫn”.
Cũng theo ông Châu, phiên đấu giá thành công này sẽ là một hướng đi mới của TP HCM, có thể áp mô hình thành công này để nhân rộng lên các khu vực như: Bình Quới - Thanh Đa, khu tái định cư Thủ Thiêm, khu Nam Sài Gòn, Khu Tây Bắc, các khu chế xuất, khu công nghiệp…
Các khu này nên được tiến hành qua đấu thầu rộng rãi, đấu giá công khai thay vì chỉ định cho một vài doanh nghiệp nào đó phát sinh tiêu cực.
Còn theo luật sư Trần Đức Phượng, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm vừa qua cho thấy nhiều điều mừng nhưng cũng cần xem xét kỹ hơn. TP HCM là một trong những địa phương ít đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất phát triển dự án bất động sản, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư (khu đất chưa giải phóng mặt bằng).
Kết quả này phản ánh nhu cầu của các doanh nghiệp địa ốc (có rất nhiều doanh nghiệp đã không thể mua 4 lô đất). Đồng thời thể hiện rõ hiệu quả của phương thức đấu giá.
“TP HCM cần tạo quỹ đất sạch, đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất thay vì giao đất theo chỉ định hoặc chuyển mục đích sử dụng đất sau khi doanh nghiệp đầu cơ đất nông nghiệp. Chính quyền sẽ tạo động lực, nguồn tài chính để thành phố đầu tư và phát triển, đặc biệt là tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh thông qua quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực đất đai”, luật sư Phượng đánh giá.