Cần cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức
Gần 1 năm hoạt động kể từ khi sát nhập ba quận (2, 9, Thủ Đức), bộ máy hành chính của TP Thủ Đức (trực thuộc TP HCM) đứng trước nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc. Hiện thành phố đang đối diện với khối lượng hồ sơ tồn đọng rất lớn…
Nhiều cán bộ nghỉ việc
Vừa được vận hành chính thức từ tháng 2/2021, hệ thống hành chính của TP Thủ Đức hoạt động được khoảng 2 tháng thì phải điều chỉnh do diễn biến phức tạp của đợt bùng phát thứ tư dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có thời điểm thành phố áp dụng các cơ quan bố trí tối đa 1/2 cán bộ, nhân viên (có thẻ xanh Covid-19) làm việc tại trụ sở.
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, vấn đề khó nhất hiện nay của thành phố là công tác nhân sự do cán bộ nghỉ việc nhiều. Đề án thành lập TP Thủ Đức quy định số lượng biên chế năm 2022 là 459 người trên cơ sở nhân lực của ba quận 2, 9 và Thủ Đức sau khi sát nhập. Số lượng nhân lực này là không đủ để đáp ứng khối lượng công việc lớn của thành phố, vốn phải quản lý một địa bàn rất rộng và đông dân.
Ông Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND phường An Khánh, TP Thủ Đức cho biết, phường này được sáp nhập từ hai phường Bình An và Bình Khánh nên khối lượng công việc tăng gấp đôi, trong khi lực lượng bán chuyên trách đang hưởng mức lương rất thấp và cũng không có chế độ. Theo ông Phong, nhóm nhân sự này tính tổng thu nhập chỉ từ 3-4 triệu/tháng/người nên sau khi sáp nhập gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, thu nhập thấp nhưng phải giải quyết số lượng hồ sơ hành chính tăng lên, khiến nhiều người thấy quá tải.
Không chỉ phường An Khánh, lãnh đạo một số phường của TP Thủ Đức phàn nàn việc phải tiếp nhận lượng hồ sơ, công việc tồn đọng rất lớn ở những phường cũ sau khi sát nhập, dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức đối diện với áp lực lớn. Đây cũng là lý do chính dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc khá nhiều, trải dài ở nhiều phường trên địa bàn TP Thủ Đức trong thời gian qua.
Sau gần 1 năm thành lập, TP Thủ Đức cũng đang đứng trước vấn đề “mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”. Hệ thống hành chính đối diện với áp lực lớn về nhân sự và hồ sơ tồn đọng, trong khi vẫn phải vận hành như một đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về giải pháp trước mắt, UBND TP HCM đang tạm thời áp dụng giao Sở Nội vụ thành phố xây dựng đề án về phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức. Tuy nhiên về lâu dài, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP HCM và trung ương sớm phê duyệt một cơ chế đặc thù thực sự cho Thủ Đức. Từ đó, mới có thể tháo gỡ những tồn đọng, bất cập về thủ tục hành chính, nhất là tồn đọng về hồ sơ của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua.
Giải pháp để đột phá
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, tới đây TP HCM sẽ tổng kết Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP HCM, trong đó Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM sẽ có phần đề xuất cơ chế riêng cho TP Thủ Đức. Đây là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước.
Là người ủng hộ và theo sát quá trình thành lập TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận hệ thống hành chính của thành phố này đã gặp áp lực lớn trong năm đầu tiên hoạt động. Phải quản lý một khu vực rộng lớn, với dân số tương đương đơn vị cấp tỉnh thì việc quá tải là khó tránh.
Nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, với quy mô dân số 1,2 triệu người, TP Thủ Đức còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, cũng phải tính đến khả năng dân số đạt ngưỡng 3,6 triệu dân trong những năm tới. Bởi vì, đây là địa bàn có nhiều khu chế xuất, khu công nghệ cao, vốn thu hút lượng lớn lao động và người nhập cư từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước hàng năm.
Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chính quyền thành phố cần hướng đến và đáp ứng được ba mục tiêu đột phá, gồm tính tự chủ cao; nhân lực trình độ cao và đột phá về hạ tầng đô thị. Trước mắt, TP Thủ Đức cần giải quyết các vấn đề về hệ thống hành chính đang quá tải, mà giải pháp đầu tiên là phải có chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, thông qua cơ chế phụ cấp trách nhiệm. Với biên chế khoảng 500 người để phục vụ hơn 1 triệu dân, cơ chế đặc thù này là hướng giải pháp cần thiết nhất.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, TP Thủ Đức phải tận dụng được dư địa tài nguyên lớn nhất của mình hiện nay là đất đai, hạ tầng. Ngoài các tuyến đường vành đai lớn, Xa lộ Hà Nội, đại lộ Võ Văn Kiệt, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây,… TP Thủ Đức có thể lựa chọn quỹ đất rộng lớn để đấu thầu tìm nhà đầu tư cho các công trình, dự án lớn.
Trước mắt, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị Quốc hội xem xét việc biên chế cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phải giảm xuống 459 người vào năm 2022 sẽ gây nhiều khó khăn hơn. Không chỉ thiếu nhân sự, khối lượng hồ sơ tồn đọng cũng khó giải quyết đạt chỉ tiêu đề ra. Ông Tùng cũng nhìn nhận, dư địa để TP Thủ Đức tìm hướng tháo gỡ các khó khăn hiện nay chính là tài nguyên đất đai. Trong đó, thành phố nên nghiên cứu, lựa chọn quỹ đất, đấu thầu để tìm nhà đầu tư cho các công trình, dự án lớn, tạo động lực phát triển cho toàn thành phố.
Đấu giá 4 lô “đất vàng” hơn 37.000 tỷ đồng
Ngày 12/12, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM thông tin, vừa tổ chức đấu giá thành công 4 lô đất thuộc khu dân cư phía Bắc trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức, với tổng số tiền lên đến hơn 37.000 tỷ đồng. Đây là phiên đấu giá ngoài mong đợi khi giá khởi điểm cả 4 khu chỉ 5.300 tỷ đồng, kết quả đấu giá cao gấp 7-8 lần giá ban đầu. Việc này một lần nữa cho thấy nguồn lực tài nguyên đất đai của TP Thủ Đức còn nhiều dư địa phát triển. Vấn đề còn lại là cách thức tiến hành khoa học, hợp lý, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và hợp lòng dân.