Đưa nông sản về phố
Dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung khiến đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp khó khăn. Để cung cầu hàng hóa bình thường trở lại, nhiều doanh nghiệp phải kết nối các đầu mối sản phẩm hoặc chào hàng bằng nhiều hình thức…
Ông Huỳnh Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình (An Giang) mong muốn tìm được đơn vị bán lẻ uy tín để hợp tác lâu dài. Theo chia sẻ của ông Minh, với sản lượng 60.000 - 80.000 tấn xoài keo/năm, từ trước giờ hợp tác xã Long Bình chủ yếu xuất khẩu và bán cho một số nhà máy chế biến. Nay, đơn vị cũng muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước để đầu ra được ổn định hơn trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp.
Tương tự, ông Trần Đình Dũng, đại diện Công ty Dasa Thảo Mộc (TP HCM) cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh giới thiệu một số nông sản Đà Lạt và đặc sản Quảng Ngãi cho thị trường đông dân của TP HCM. Doanh nghiệp kỳ vọng tìm kiếm được khách hàng là các bếp ăn tập thể, chuỗi cửa hàng, siêu thị. Để thuận lợi cho chiến lược làm quen thị trường, doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm đến 35% nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng.
Liên quan đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm, bà Phạm Thị Ngọc Hà, đại diện Công ty TNHH San Hà cho biết, công ty là đơn vị cung ứng cho rất nhiều hệ thống siêu thị trong thị trường TP HCM. Tuy nhiên, hiện người dân Long An gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm lên thị trường TP HCM. Lý do, thị trường thành phố vẫn chưa thực sự hồi phục hoàn toàn về kinh tế.
Bàn về thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM khẳng định, TP HCM là một đô thị đông dân nhất phía Nam. Đây là thị trường phân phối và tiêu thụ sản phẩm rất lớn…
Ông Hiệp dẫn chứng, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân thành phố bình quân hơn 8.200 tấn/ngày, tương đương 250.000 tấn/tháng. Trong đó, rau củ quả hơn 4.200 tấn/ngày; gạo khoảng 2.000 tấn/ngày; thịt gia súc gần 1.000 tấn/ngày; thủy sản 430 tấn/ngày,... Thế nhưng, sản lượng sản xuất của thành phố chiếm tỷ trọng nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố.
“Trong bối cảnh TP HCM chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 vừa qua, khả năng tự sản xuất càng sụt giảm mạnh nên rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của các tỉnh. Bên cạnh đó, thành phố có hệ thống phân phối hàng hóa phong phú, các chợ truyền thống đã mở lại gần hết, các điểm tập kết hàng hóa từ các tỉnh về vẫn được duy trì và hoạt động ổn định. Do đó, TP HCM phố sẽ hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, nhất là chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu hoạt động thuận lợi…”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Với mục tiêu đẩy mạnh phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, giải phóng hàng tồn kho, phục hồi sản xuất cuối năm, TP HCM cũng liên tục tổ chức tháng khuyến mại và hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP HCM khẳng định, những tín hiệu tích cực từ thị trường tiêu dùng ngày càng rõ nét hơn. Đơn cử, tháng 10/2021, tổng doanh số bán buôn, bán lẻ của thành phố là 43.000 tỷ đồng, đến tháng 11/2021 tăng lên hơn 55.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng đáng ghi nhận trong điều kiện người dân đang thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng dịch bệnh.