Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

H.hương 13/12/2021 07:30

Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết qua kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, có 2 doanh nghiệp phát hành và 1 công ty chứng khoán mắc lỗi bị xử phạt.

Trong đó, nổi nhất là sự vụ VSETGroup bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 600 triệu đồng do chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

VSETGroup từng đưa ra chương trình phát hành trái phiếu với mức lãi suất lên đến 12%/năm, linh hoạt về kỳ hạn đầu tư từ 12- 60 tháng, kèm đó, nhà đầu tư được mua trái phiếu cam kết bằng bất động sản.

Không chỉ VSETGroup bị gọi tên xử phạt mà trước đó, vào ngày 25/11/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 806/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư BG Group (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn APEC Group) do doanh nghiệp này đã có các hành vi vi phạm hành chính như không báo cáo về việc dự kiến giao dịch

Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được phản ánh khá nhiều. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đã nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư về những rủi ro của thị trường này song thị trường TPDN vẫn tăng nóng. Trong 11 tháng đầu năm, khối lượng phát hành TPDN đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là TPDN phát hành ra công chúng.

Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao, song Bộ Tài chính cho biết, thực tế tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Đối với doanh nghiệp phát hành, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.

Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021. Ghi nhận tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.

Để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban CKNN đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trưởng xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý.

Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ. Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành...

Quy mô thị trường TPDN nước ta còn khá khiêm tốn, mới chiếm khoảng 12% GDP, trong khi nhiều nước trong khu vực lên tới 22% GDP. Tuy nhiên, kênh gọi vốn này đang gây lo ngại cho các cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) khẳng định, mục đích cuối cùng của cơ quan quản lý là tạo môi trường pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho DN huy động vốn, song cũng đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, cần phải làm lành mạnh, minh bạch thị trường TPDN, vì trong bối cảnh lãi suất ngân hàng xuống thấp, thị trường TPDN hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân. Nếu thị trường không lành mạnh, thì nhà đầu tư bị thiệt hại rất lớn. Nói như TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, việc dọn TPDN “rác” và minh bạch thông tin thị trường là rất cần thiết. Mà một trong những biện pháp là phải yêu cầu DN phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm.

H.hương