Dồn lực cho công nghệ số

Quang Ngọc 13/12/2021 06:10

Chiều ngày 11/12, phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường trong chuyển đổi số, làm lợi thiết thực cho người dân, tham gia giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu cuối cùng là nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngay trước Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - ngày 12/12 hằng năm. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”.

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tới nay Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu năm 2021 lên tới hơn 135 tỷ USD. Đáng chú ý, năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. “Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi số mạnh mẽ, với một thị trường trẻ, đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới; nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Công nghệ số được coi là nền tảng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đang được các quốc gia trên thế giới đầu tư nhiều nguồn lực để đẩy nhanh sự phát triển. Thực tế cho thấy, những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, nền tảng khoa học kỹ thuật cao thì dễ bắt nhịp với công nghệ số. Ngược lại, những nước nghèo, chưa công nghiệp hóa được thì sự bắt nhịp là khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tuy đang là quốc gia thu nhập trung bình nhưng chúng ta cũng đã nhanh chóng xác định phải tập trung sức lực phát triển công nghệ số. Không mạnh dạn bước vào cuộc đua tranh này thì sẽ tụt hậu, mà tụt hậu nhanh vì tốc độ phát triển của thế giới sẽ rất nhanh khi công nghệ cao được áp dụng và tận dụng triệt để.

Những năm qua, vấn đề công nghệ số đã được Đảng, Nhà nước đặt ra như một mục tiêu chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính phủ đã nhiều lần đôn đốc các bộ ngành, các địa phương và cả trên bình diện tổng thể quốc gia phải đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến trình này. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu đã thể hiện cam kết mạnh mẽ việc này. Phiên họp đầu tiên của Ủy ban sau khi được kiện toàn ngày 30/11/2021 đã thống nhất các vấn đề về nhận thức, cách tiếp cận của Việt Nam, bám sát tầm nhìn và các chiến lược quốc gia về hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây cũng chính là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong việc nhanh chóng phát triển đất nước, trước mắt là thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình rất có thể sẽ níu đất nước lại nếu chúng ta chậm chân và sớm vội hài lòng với những gì đạt được.

2 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, đất nước gặp rất nhiều thử thách. Nhất là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, kể từ ngày 27/4/2021, phải thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, nên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội rất nhiều khó khăn. Có những thời gian dài chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, “chết lâm sàng” và cũng nhiều doanh nghiệp phải giải thể. Đời sống người dân, người lao động khó khăn do thu nhập giảm, nhiều lao động tự do còn không có thu nhập.

Nhưng vượt lên gian khó, chúng ta đã từng bước ổn định, khôi phục, phát triển kinh tế. Đặc biệt kể từ đầu tháng 10 đến nay khi giãn cách xã hội được nới lỏng, mở cửa vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tình hình đã sáng lên rõ rệt. Trong đó, chúng ta đều nhận thấy vai trò rất rõ của công nghệ. Trước hết, dễ nhận thấy xã hội đã nhanh chóng chuyển sang mua bán qua mạng. Thuật ngữ thương mại điện tử, mua bán online đã trở nên quen thuộc. Nhà trường chuyển sang dạy - học trực tuyến. Các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức họp, làm việc, cung cấp dịch vụ công qua mạng internet... Đó chính là minh chứng sinh động rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng dù còn nghèo nhưng Việt Nam vẫn cùng nhịp bước với thế giới văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên công nghệ số.

Quang Ngọc