Chú ý khi dùng thuốc giảm béo
Thế giới đã xác định béo phì là một bệnh, có thể gây nhiều biến chứng, đặc biệt nó là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, khớp, ung thư…
Đặc biệt, béo phì làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, khiến người mắc dễ bị viêm, điều trị lâu khỏi. Ở trẻ em, ngoài nguy cơ gây ra các bệnh mạn tính còn khiến trẻ suy giảm trí nhớ, khó tập trung khi học. Với phụ nữ, béo phì gây rối loạn nội tiết, còn nam giới béo phì có thể bị suy yếu sinh lý.
Cùng với việc thực hiện chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể lực thì trong trường hợp dùng thuốc phải được sự chỉ định của bác sĩ. Hiện có 2 nhóm thuốc chủ yếu, gồm nhóm thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương và thuốc tác dụng lên hệ tiêu hóa. Người dùng 1 trong 2 nhóm thuốc này không được tự ý tăng hoặc giảm liều. Khi đã sử dụng thuốc điều trị trong khoảng 2 tuần nếu không thấy giảm cân thì cần thông báo cho bác sĩ.
Vậy, câu hỏi đặt ra là: Làm gì để phòng bệnh béo phì? Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng cho rằng điều đó phải được thực hiện ngay từ sớm. Các biện pháp bao gồm: Thay đổi lối sống, tăng hoạt động thể lực; Giảm và bỏ hẳn thuốc lá; Hạn chế bia rượu và các thói quen có hại khác trong sinh hoạt; Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, không dư thừa năng lượng.
Trẻ em bị béo phì chủ yếu do sự chăm sóc quá mức của cha mẹ, khi cho trẻ ăn nhiều thức ăn cao đạm, ăn ngọt nhiều và uống quá nhiều sữa. Quan niệm thích trẻ em bụ bẫm cũng phần nào khiến người lớn “nhồi” cho trẻ ăn nhiều hơn, dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Còn với người lớn, đặc biệt là phụ nữ sau khi sinh thường ăn nhiều hơn, thức ăn bổ dưỡng hơn và cũng ít vận động hơn. Cùng đó, một số người quan niệm mẹ ăn nhiều, béo tốt thì nuôi con tốt hơn, nhất là với mẹ cho con bú.