Cần Thơ: Điều trị thành công bé sơ sinh bị đa hồng cầu kèm nhiều bệnh lý nặng

TUỆ YÊN 13/12/2021 16:25

Điều trị thành công một bệnh nhi sơ sinh bị đa hồng cầu kèm nhiều bệnh lý nặng khác như suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh…

Ngày 13/12, thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp bé sơ sinh 1 ngày tuổi, con sản phụ T.T.B.M. ngụ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ bị suy hô hấp, đa hồng cầu, nhiễm trùng sơ sinh.

Theo đó, sản phụ T.T.B.M. ngụ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ, có tiền căn bị tiểu đường thai kỳ, sinh mổ song thai 37 tuần. Sau khi thai phụ sinh , bé được nhập hồi sức sơ sinh trong tình trạng suy hô hấp cấp, đỏ da, bú kém. Qua công tác thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị suy hô hấp, đa hồng cầu, nhiễm trùng sơ sinh, song thai 2.

Bác sĩ thăm khám, kiểm tra sức khoẻ bé trước khi xuất viện.

Tại đây, bé được xử trí thở NCPAP, trích máu qua sonde tĩnh mạch rốn và truyền dịch. Sau điều trị, tình trạng suy hô hấp bé cải thiện dần cô đặc máu và nhiễm trùng ổn định. Hiện bé đã được xuất viện.

Theo BS. CKII Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long thì đa hồng cầu sơ sinh là tình trạng tăng số lượng hồng cầu làm tăng độ nhớt của máu. Tần suất gặp ở 1 - 5% trẻ sơ sinh. Hiện tượng đa hồng cầu sẽ gây ra cô đặc máu làm nghẽn dòng lưu thông máu đặc biệt các mạch máu nhỏ vì thế sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu oxy ở các mô biểu hiện trẻ tím, đỏ da, bú yếu, khó thở,…

Trích máu là một thủ thuật lấy bớt đi một lượng máu cần thiết và truyền bù lại một lượng dịch tương đương lượng máu đã được trích ra nhầm làm giảm cô đặc máu giúp lưu thông máu dễ dàng hơn và oxy được vận chuyển đến các mô cũng thuận lợi hơn. Tình trạng đa hồng cầu khi có chỉ định trích máu nếu không được xử trí kịp thời sẽ rất nguy hại cho trẻ.

“Nguyên nhân gây ra bệnh lý đa hồng cầu không thực sự rõ ràng, những tình trạng sau được coi là yếu tố nguy cơ đa hồng cầu như: Mẹ bị tiểu đường thai kỳ, song thai có hiện tượng truyền máu thai nhi hoặc có bất thường về các bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý di truyền, kẹp rốn muộn sau sinh,…”, BS chuyên khoa II Phạm Nguyễn Yến Trang thông tin.

Bác sĩ Phạm Nguyễn Yến Trang khuyến cáo, để phòng tránh bệnh đa hồng cầu và các bệnh lý khác cho trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai cần khám thai định kì và quản lý thai nghén tốt nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để điều trị và theo dõi.

Đặc biệt các trường hợp bà mẹ bị bệnh lý tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ cần đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều chỉnh đường huyết ổn định trong trong suốt thời gian thai kỳ. Không sử dụng các chất kích thích khi mang thai và có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, khoa học. Trẻ sơ sinh cần được theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường như ngủ li bì, bú kém, sốt, vàng da, thở bất thường… và cần đưa trẻ đến khám và điều trị tại bác sĩ chuyên khoa kịp thời.

TUỆ YÊN