Cà Mau kêu gọi hỗ trợ nguồn thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19
Để đáp ứng cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc ghi nhận hàng ngày liên tục gia tăng, tỉnh Cà Mau vừa kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ cho tỉnh thuốc kháng vi rút để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Để đáp ứng cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc ghi nhận hàng ngày liên tục gia tăng, tỉnh Cà Mau kêu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ cho tỉnh thuốc kháng vi rút để điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng thời tăng cường sự tham gia phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở y tế ngoài công lập.
Đến thời điểm hiện tại, thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19 chưa được sản xuất trong nước nên việc tiếp cận nguồn thuốc kháng vi rút để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung ứng. Nhu cầu đảm bảo thuốc kháng vi rút để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 của tỉnh là rất cần thiết, đặc biệt là thuốc dạng viên để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở điều trị tập trung và tại nhà.
Để đáp ứng cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc ghi nhận hàng ngày liên tục gia tăng, tỉnh Cà Mau kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ cho tỉnh thuốc kháng vi rút để điều trị bệnh nhân Covid-19 hoặc tạo điều kiện cho tỉnh được mua thuốc kháng vi rút để điều trị cho người bệnh Covid-19. Theo đó, nhu cầu thuốc kháng vi rút uống Molnupiravir 30.000 liệu trình điều trị cho 30.000 ca mắc Covid-19; Thuốc Favipiravir 10.000 liệu trình điều trị cho 10.000 ca mắc Covi-19.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Dũng cho biết, để tiếp tục góp phần kiểm soát dịch bệnh Covid-19; giảm mắc, giảm chuyển tầng nặng và giảm tử vong do mắc Covid-19 trên địa bàn, Sở có văn bản đề nghị tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tiếp tục góp công, góp sức vào các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là tham gia Trạm Y tế lưu động.
Cụ thể, mỗi bệnh viện ngoài công lập, mỗi phòng khám đa khoa tư nhân đăng ký tham gia phụ trách ít nhất 1 Trạm Y tế lưu động trên địa bàn huyện, thành phố và xã phường, thị trấn. Bệnh viện, phòng khám đa khoa liên hệ với Trung tâm Y tế huyện, thành phố đăng ký phụ trách Trạm y tế lưu động và cử lực lượng gồm bác sĩ, điều dưỡng, cùng tình nguyện viên phối hợp với ấp, khóm tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, đối với Trung tâm Y tế huyện, thành phố, phối hợp với các cơ sở y tế ngoài công lập thống nhất các nội dung, địa điểm,… trình UBND huyện, thành phố thành lập Trạm Y tế lưu động, giao cho cơ sở y tế ngoài công lập quản lý; chịu trách nhiệm phân bổ túi thuốc A – B – C, trang thiết bị và vật tư y tế cần thiết cho lực lượng y tế của Trạm Y tế lưu động triển khai thực hiện. Theo đó, giao cho Trạm Y tế, phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các Trạm Y tế lưu động này và đề nghị Trạm y tế lưu động hàng ngày báo cáo về Trạm Y tế cố định trên địa bàn.
Trung tâm Y tế huyện, thành phố báo cáo về Sở Y tế các Trạm Y tế lưu động do cơ sở y tế ngoài công lập phụ trách ngay khi được thành lập và định kỳ.
Phòng Quản lý hành nghề và Bảo hiểm y tế thuộc Sở Y tế tỉnh được giao theo dõi, ghi nhận, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động, góp phần phục vụ nhân dân và có thu phí khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Cà Mau đang diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày ghi nhận thêm khoảng hơn 700 người mắc mới. Theo số liệu từ Ban chỉ đạp phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, tính từ đầu vụ dịch đến ngày 12/12/2021 tổng số ca mắc Covid-19 trong tỉnh Cà Mau là 15.841 ca. Số ca đã điều trị khỏi 7.977 người, tử vong 70 người. Hiện đang điều trị 7.794 người.
Theo nhận định của ngành y tế Cà Mau, với tình hình diễn biến như trên, dự báo trong những ngày tới số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng. Số bệnh nhân gia tăng đã gây quá tải trong các cơ sở điều trị, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ người bệnh, đặc biệt là thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2.