Giáo viên phải tự bồi dưỡng, tự đổi mới
“Đổi mới gì thì đổi mới. Chúng tôi quan niệm việc tự bồi dưỡng của mỗi thầy cô giáo là hết sức quan trọng” - đó là ý kiến của ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.
Thúc đẩy quá trình tự bồi dưỡng, tự đổi mới
Theo ông Phạm Tuấn Anh, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, kèm theo đó là 206 tài liệu và đã được đưa lên trên mạng. Đối với chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, Bộ chỉ ban hành chương trình khung còn giao cho các cơ sở bồi dưỡng, các Sở GDĐT phối hợp tổ chức để biên soạn tài liệu cũng như tham khảo các tài liệu trên mạng để bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.
Ông Tuấn Anh lưu ý, trong thời đại công nghệ 4.0, tài liệu chắc chắn sẽ được số hóa đưa lên mạng để thầy cô tham khảo, tự lấy tài liệu xuống để tự học tập, bồi dưỡng trên cơ sở hướng dẫn của giảng viên cốt cán, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Trong quá trình xây dựng tài liệu, Bộ GDĐT cũng căn cứ vào việc đánh giá theo chuẩn hàng năm của các thầy, các cô. Tới nay, Bộ đã ban hành hệ thống các chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng trong đó đưa ra các tiêu chí, minh chứng để hàng năm các thầy cô tự đánh giá và các cơ quan quản lý theo các văn bản luật đã ban hành. Trên cơ sở thầy cô thấy thiếu, yếu nội dung nào thì lựa chọn các mô đun tương ứng để bổ sung.
“Không phải tất cả mọi giáo viên đều cần bồi dưỡng một nội dung như nhau. Các cơ quan quản lý cần xây dựng tài liệu trên nhu cầu bồi dưỡng của thầy cô. Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của địa phương cần bám sát yêu cầu chỉ đạo của Bộ GDĐT, đó là phải xuất phát từ nhu cầu của giáo viên, từ thực tiễn giáo dục quản lý của địa phương để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Từ ghi nhận thực tế, ông Tuấn Anh cho biết vẫn còn nhiều nơi áp đặt việc bồi dưỡng, các giáo viên không được tự lựa chọn nội dung mình thiếu, mình yếu mà các cơ quan quản lý cấp trên, các cơ sở giáo dục áp đặt các nội dung bồi dưỡng. Như vậy, có giáo viên thấy phù hợp, có người thấy không phù hợp nên có nơi việc bồi dưỡng còn mang tính hình thức, không hiệu quả.
Vì vậy, vấn đề cốt lõi là các thầy cô phải tự có ý thức đổi mới trong quá trình bồi dưỡng. Chỉ khi tự đổi mới, tự bồi dưỡng thì kiến thức đó mới trở thành của mình. Việc hướng dẫn của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, giáo viên cốt cán, giảng viên các trường ĐH sư phạm chủ chốt cũng chỉ là hỗ trợ. Về hình thức, việc bồi dưỡng trong thời gian tới sẽ kết hợp theo mô hình như chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ETEP đang triển khai là 5-3-7 hay 7-2-7.
“Chúng tôi thấy rằng mô hình đó rất hiệu quả, các thầy cô được nghiên cứu tài liệu trước, có những ngày học tập trung để nêu những khó khăn, vướng mắc để các giảng viên sư phạm chủ chốt, các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, giáo viên cốt cán cùng các thầy cô hỗ trợ giải đáp. Mô hình hiệu quả đem đến lợi ích linh hoạt” - ông Tuấn Anh nêu quan điểm.
Linh hoạt đánh giá thường xuyên
Hiện nay công tác chỉ đạo bồi dưỡng đánh giá thường xuyên trong Thông tư 19 đã đề cập cụ thể. Theo đó, giao cho các sở, phòng, hiệu trưởng các nhà trường lựa chọn hình thức đánh giá sao cho phù hợp, có thể bằng bài thu hoạch, bằng sản phẩm kết quả học tập của học sinh trong năm, bằng báo cáo chuyên đề, bằng báo cáo chuyên đề trao đổi tại tổ chuyên môn.
Cô giáo Vương Thị Thu Hằng - giáo viên cốt cán môn Vật lý Trường THPT Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, các tài liệu Bộ GDĐT đã chia sẻ để học rất đầy đủ và công bằng với tất cả mọi người có thể chủ động thời gian của mình có thể tiếp cận với nội dung các mô đun học. Đối với việc bồi dưỡng giáo viên, cô Hằng cho biết chính các giáo viên cốt cán được cử từ các trường, thầy cô cũng rất tích cực, rất quan tâm, thực sự là hoạt động có hiệu quả trong những nội dung chúng tôi đã triển khai tập huấn trực tiếp tại Phòng, tại Sở. Ở mô đun 1, chúng tôi tập huấn trực tiếp. Ở mô đun 2, 3 thì chuyển sang mô hình tập huấn trực tuyến, đó là một khó khăn nhưng đã cố gắng khắc phục để thầy cô đều tiếp cận thuận lợi và có phản hồi tích cực.
Tuy nhiên, cô Hằng cũng chỉ ra một bất cập đó là có một số giáo viên “trả bài cho qua”. Bài thu hoạch của giáo viên về các nội dung bồi dưỡng vẫn còn mang tính hình thức. Sự sao chép giữa giáo viên này, giáo viên kia, kết quả bồi dưỡng cũng chỉ là vài trang giấy để nộp lên cơ quan quản lý coi như xử lý xong việc bồi dưỡng hàng năm cho thấy sự chưa nghiêm túc, chưa đúng như mong muốn của Bộ GDĐT đến Sở. Việc này đã được trao đổi thẳng thắn, trực tiếp các thầy cô, cán bộ quản lý và sau đó chất lượng và ý thức của giáo viên cũng thay đổi.
Theo đại diện của Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh, kinh nghiệm để việc triển khai bồi dưỡng thường xuyên cũng như các đợt tập huấn đó là bất cứ việc gì cũng phải có người giám sát, theo dõi một cách sát sao, thực sự vào cuộc với công việc được giao thay vì báo cáo về mặt hình thức và thường xuyên trao đổi để tìm ra những khó khăn, vướng mắc gì không trong quá trình sử dụng và hỗ trợ đồng nghiệp.