Bí thư, Chủ tịch tỉnh cần quan tâm đến đối ngoại
Ngày 13/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương”, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các điểm cầu ở trong và ngoài nước.
Theo ông Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, công tác đối ngoại địa phương đang diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, tình hình thế giới và khu vực phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó thế và lực của Việt Nam vẫn ngày càng lớn mạnh. “Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế dịch chuyển sang chiều sâu, tăng độ mở. Trong đó, công tác đối ngoại địa phương đã được triển khai tích cực, chủ động và thích ứng linh hoạt” – ông Huân thông tin.
“Trong thời gian tới chúng ta cần tích cực chủ động tham gia vào công cuộc xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thích ứng với tình hình mới của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, từng địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, phát huy vai trò chủ động sáng tạo trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, bắt kịp những chuyển đổi và xu hướng phát triển của thế giới”- ông Huân cho hay.
Ông Bùi Lê Thái, Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương cũng cho rằng, các địa phương cần khẩn trương cụ thể hóa, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể theo hướng tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả với từng đối tác, trong từng lĩnh vực, với trọng tâm là lĩnh vực kinh tế, bảo đảm cho các địa phương nói riêng và đất nước nói chung phát triển nhanh và bền vững.
“Chú trọng triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân, để cùng với ngoại giao chính quyền tạo thành ba mũi giáp công của mặt trận đối ngoại toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của địa phương. Khi tổ chức các hoạt động đối ngoại, các lãnh đạo địa phương, nhất là Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, quan tâm thu xếp chương trình hoạt động, tiếp xúc trên cả 3 kênh là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”- ông Thái nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Do đó, cần quán triệt chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, đối ngoại địa phương trên cơ sở tranh thủ tối đa các yếu tế quốc tế thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, thu hút đầu tư, công nghệ tri thức, du lịch và các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững. M.Loan-H.Vũ
Các địa phương cần chiến lược để hợp tác với EU
Ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20.
Ông Thảo cho biết, Liên minh châu Âu (EU) với 27 nước thành viên, đối tác toàn diện của Việt Nam, có thể hợp tác về tất cả các mặt. Trong đó, kinh tế là lĩnh vực trọng tâm. Để hợp tác với EU thì các địa phương cần có chiến lược và cách tiếp cận hết sức bài bản, cụ thể. “EU là thị trường tiêu chuẩn cao. Chúng ta có thuận lợi cơ bản là có Hiệp định thương mại tự do. Nhưng để vào được EU, các địa phương sau khi chọn lựa được lĩnh vực đầu tư thì cần có một kế hoạch tổng thể, được xây dựng một cách bài bản, nêu rõ những điểm mạnh, từng bước công việc của mình. Chiến lược này cần phải đầu tư thích đáng cả về con người, trí tuệ, kinh phí.
“Vì làm với EU không thể chỉ làm theo 1 hợp đồng, 1 thương vụ, mà cần xác định làm dài hạn. Những gì hợp tác làm ăn với EU đem lại cho các địa phương và doanh nghiệp của chúng ta hiệu quả hết sức lớn”-Đại sứ Thảo lưu ý và cho biết: các cơ quan đại diện của EU tại Việt Nam là “đầu mối” để các địa phương bám sát và thúc đẩy hợp tác.