Làm gì để y, bác sĩ gắn bó với nghề?
Gần 2 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ y, bác sĩ chính là lực lượng tuyến đầu, không quản hiểm nguy để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuyệt đại bộ phận trong số họ gắn bó công việc với tinh thần trách nhiệm cao, vì nhân dân phục vụ. Nhưng đã có một số người xin thôi việc vì những lý do khác nhau. Đó là điều cần được suy xét thấu đáo, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Trong cuộc họp báo gần đây nhất, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết: Năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng đầu năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp.
Băn khoăn lớn nhất được đặt ra, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Các cơ quan quản lý cần phải có giải pháp gì để giữ chân nhân viên y tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp?
Mức lương chưa tương xứng
Theo phân tích của bà Huỳnh Mai, số nhân viên y tế xin nghỉ việc tăng nhẹ ở khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số ở trạm y tế, bởi phần lớn vì lý do cá nhân, gia đình. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy nhiều nhân viên y tế, đặc biệt đang công tác tại tuyến y tế cơ sở đang phải chịu một áp lực công việc quá lớn, trong khi mức lương nhận được chưa tương xứng.
Theo BS Trương Thanh Tùng, Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh): cơ sở này chỉ có 10 nhân viên y tế, nhưng “gánh” gần 170.000 dân (xã có số dân cao nhất TP HCM). BS Tùng cho hay, mặc dù đã gắn bó với trạm y tế 20 năm nay nhưng đến nay lương của ông chưa đến 6 triệu đồng/tháng. Thậm chí trong trạm còn có điều dưỡng chỉ hưởng mức lương 4,2 triệu đồng/tháng.
Với mức lương như trên, BS Tùng cho biết các nhân viên y tế đều rơi vào khó khăn. Ngoài cống hiến thời gian cho xã hội, họ phải chắt chiu, chi li, tính toán về tiền ăn ở, tiền nhà, nuôi dạy con cái. Chính điều này cũng ít nhiều làm nhân viên y tế không còn mặn mà với nghề. Trên thực tế, các nhân viên trạm y tế đã nhận được tiền hỗ trợ chống dịch đợt 1 từ tháng 5 đến tháng 8/2021, tất cả đều được hưởng như nhau. Tuy vậy với số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng/người trong 3 tháng chống dịch căng thẳng, cộng với mức lương thường ngày thì còn khá khiêm tốn so với công sức, trách nhiệm của mỗi người.
Tìm hiểu từ những người trực tiếp công tác tại tuyến y tế cơ sở được biết, có hai lý do chính họ xin nghỉ việc, là thu nhập thấp và không có cơ hội nâng cao tay nghề. Đơn cử như anh Minh Duy - y sĩ ở một Trạm Y tế xã huyện Bình Chánh cho hay, cả hai vấn đề này đã được anh trao đổi thẳng thắn, trực tiếp với trung tâm y tế - đơn vị quản lý nhân sự nhưng không có giải pháp tháo gỡ khả quan nào.
Sở Y tế TP HCM cho hay trong đợt dịch vừa qua thành phố đã huy động 5.202 tình nguyện viên từ các nhân viên y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, các tình nguyện viên tôn giáo hoặc F0 tham gia chống dịch. Để giảm tải cho hệ thống y tế, ngành y tế kiến nghị tiếp tục áp dụng mô hình trên để bổ sung nguồn huy động lực lượng cho trạm y tế. Những người được huy động được hưởng mức hỗ trợ từ 1 đến 2 lần mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định tại từng thời điểm, từng đối tượng. Dự kiến tổng chi phí chi cho chương trình này gần 17 tỷ đồng/tháng.
Đề nghị nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở
Mới đây, trả lời chất vấn đại biểu HĐND kỳ họp thứ 4, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng chia sẻ: Nhân viên y tế kiệt sức, gần 8 tháng chưa được nghỉ ngơi ngày nào nhưng nhận được mức thu nhập quá thấp, đây là lý do khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc.
Ông Thượng cũng cho biết ngành y tế xây dựng đề án, đề xuất các cơ chế để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, làm thế nào để nhân viên y tế yên tâm công tác, bớt nghỉ việc. Trước mắt ngành y tế có chính sách hỗ trợ thu nhập để giữ chân nhân viên y tế. Cụ thể, bác sĩ công tác ở trạm y tế được nhận thêm 1,5 lần lương tối thiểu vùng (khoảng hơn 6 triệu đồng), còn điều dưỡng nhận thêm một lần lương tối thiểu vùng (hơn 4 triệu đồng).
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút nhân viên y tế đến công tác tại các tuyến cơ sở. Theo ông Thượng, hiện Sở Y tế đã đề xuất chính sách mới, là bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì về các bệnh viện quận, huyện công tác thực hành 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề thì sẽ về các tuyến y tế cơ sở thực hành 12 tháng; và 6 tháng tại bệnh viện. Các bác sĩ không phải trả tiền thực hành và được nhận chi phí hỗ trợ sinh hoạt là 1,5 lần lương tối thiểu như đề xuất trên. Nếu cơ chế này được thông qua, ước tính mỗi năm thành phố có 500 bác sĩ đến các trạm y tế. Chính sách nữa Sở Y tế đề xuất là tăng định biên (tức biên chế cố định) cho trạm y tế. Hiện định biên cho trạm y tế là tối thiểu 5 nhân viên, tối đa 10 nhân viên y tế. Tuy nhiên, thực tế dân số ở mỗi phường khác nhau, ví dụ tại phường 5 quận 3 có khoảng 20.000 dân, nhưng tại quận Bình Tân một phường có thể 120.000-140.000 dân, mà mỗi trạm biến chế tối đa chỉ 10 nhân viên y tế. Đây đây là bất cập tồn tại đã nhiều năm.
Theo ông Thượng, về lâu dài nên có cơ chế điều chỉnh, phân bổ trạm y tế theo dân số, cứ 10.000 có một trạm y tế. Còn hiện tại, Sở đề xuất tăng mức định biên tối thiểu từ 5 lên 10 nhân viên y tế. Ngoài lực lượng bác sĩ, các trạm y tế rất cần thêm hộ lý, bảo vệ, cử nhân cộng đồng... Như vậy theo tính toán, các trạm y tế cần bổ sung 4.126 biên chế.
Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định quản lý người hành nghề
Không phải cho đến thời điểm này, trước đó trong đợt dịch cao điểm tháng 9/2021, Bộ Y tế đã lo ngại trước tình trạng y bác sĩ bỏ vị trí công tác giữa cao điểm dịch. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các đợt kiểm tra của Bộ Y tế cũng như các tỉnh thành cho thấy có tình trạng người hành nghề bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, kể cả cơ sở công lập và tư nhân, bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện nghiêm quy định quản lý người hành nghề. Đồng thời, xây dựng phương án dự phòng trường hợp phải cách ly y tế, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh. Tăng cường tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ người hành nghề theo Luật Khám, chữa bệnh; biểu dương, khen thưởng kịp thời người hành nghề có nhiều đóng góp trong phòng, chống dịch Covid-19 và khám chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định đạo đức hành nghề gửi Bộ Y tế xem xét kỷ luật, hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề.
Tuy nhiên, việc nhân viên y tế vẫn nghỉ việc với số người không nhỏ vẫn đang là vấn đề phải được đặt ra, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và được dự báo sẽ còn kéo dài.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Cần đãi ngộ xứng đáng cho nhân viên y tế
Trước việc nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, theo tôi, cần tăng mức đãi ngộ cho họ - những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch; để họ có thêm nguồn lực chăm sóc tốt hơn người bệnh. Trong đó bao gồm đội ngũ y tế phường, xã.
Cần hiểu, các nhân viên y tế tham gia chống dịch, lên đường vào tâm dịch với mục đích là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, nhưng chính bản thân các y, bác sĩ cũng cần phải được bảo vệ, cả về tinh thần và tính mạng.
Bên cạnh đó, gia đình của các nhân viên y tế cũng cần phải được bảo vệ. Bộ Y tế cần nghiên cứu để có những giải pháp, đề xuất về vấn đề này. Chính những biện pháp này sẽ là động lực, là đòn bẩy để giúp các y, bác sĩ yên tâm công tác.
Trên cơ sở đó, cần có các chính sách khuyến khích đặc biệt đối với lực lượng các nhân viên y tế sao cho xứng đáng trong bối cảnh hiện nay và tương xứng với sự xông pha, không quản ngại hiểm nguy, đối mặt với nguy cơ tính mạng của các y, bác sĩ.
Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội khóa XV: Nâng cao tư tưởng, trách nhiệm đối với một bộ phận y, bác sĩ
Để hạn chế nhân viên y tế nghỉ việc, một trong những vấn đề đầu tiên cần phải đặt ra, đó là làm sao để nâng cao tinh thần trách nhiệm của một bộ phận nhân viên y tế. “Tôi muốn nhấn mạnh về việc nâng cao tư tưởng, trách nhiệm đối với một bộ phận y, bác sĩ” - ông Hòa nói.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có những chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế, nhất là các y, bác sĩ tham gia chiến đấu trên tuyến đầu chống dịch để các chiến sĩ áo trắng yên tâm công tác. Chúng ta đều thống nhất “chống dịch như chống giặc”, vậy cũng cần có những đãi ngộ xứng đáng đối với nhân viên y tế không may tử vong trong quá trình chống dịch.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cần có những giải pháp, cá nhân tôi cho rằng những y bác sĩ hy sinh xứng đáng được công nhận liệt sĩ. Quốc hội có thể ban hành một Nghị Quyết riêng, thí điểm về trường hợp này. Tại kỳ họp Quốc hội sắp tới vào cuối tháng 12, đầu tháng 1/2022 sẽ bàn về chế độ chính sách đãi ngộ đối với các nhân viên y tế. Tôi cho rằng đây là động thái hết sức kịp thời, cần thiết và đúng lúc.
An Thái - Đức Trân (ghi)