Tiếp sức để không kiệt sức
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 9058/VPCP-KGVX, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, Thủ tướng lưu ý Bộ trưởng Y tế có giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Y tế chủ trì, tổ chức lễ tôn vinh và khen thưởng các thầy thuốc trong tháng 12/2021.
Việc nhiều nhân viên y tế nghỉ việc thời gian qua khiến xã hội lo lắng, đặc biệt khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới vẫn ở mức cao, lan rộng trên phạm vi cả nước; số người bệnh nặng phải nhập viện và cần chăm sóc y tế, điều trị tích cực cũng như số người tử vong vẫn chưa kéo giảm được như mong muốn. Cùng đó, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cũng như nhiều địa phương tiến hành cách ly F0 tại nhà cũng đòi hỏi một lực lượng cán bộ, nhân viên y tế rất lớn.
Thực tế cho thấy, trong suốt hai năm qua, cả nước đã phải căng mình phòng, chống dịch. Trong đó, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là lực lượng tuyến đầu, được xác định là “lá chắn” cực kỳ quan trọng bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân trước đại dịch. Với đại dịch Covid-19, đây là đợt dịch lớn nhất, kéo dài nhất từ trước tới nay. Vì thế, đội ngũ những người làm công tác y tế bị căng mỏng, phải làm việc liên tục trong môi trường rất dễ bị phơi nhiễm. Đã có nhân viên y tế tử vong do Covid-19.
Nhân dân rất biết ơn những người đã và đang gồng mình chống dịch, ngày ngày phải trực tiếp tiếp xúc với nguy cơ. Họ không quản hiểm nguy để chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, làm hết sức để trả từng người bệnh về với cuộc sống, về với gia đình. Sự hy sinh của cán bộ, nhân viên y tế suốt hai năm qua được xã hội ghi nhận, trân trọng, đánh giá rất cao. Chính họ - những người ngày ngày đối diện với hiểm nguy ấy đã và đang tiếp tục giữ sự bình yên cho đất nước, không chỉ chăm lo sức khỏe, tính mạng cho người dân mà còn là chỗ dựa tinh thần chắc chắn cho toàn xã hội; giúp chúng ta giảm đi nỗi lo, tăng thêm niềm tin ngay cả khi dịch Covid-19 vẫn hoành hành.
Tại phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh mới đây, đại biểu đã bày tỏ lo lắng khi có nhiều nhân viên y tế nghỉ việc. Nói về thực tế này, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng “có thể dùng từ kiệt sức để cắt nghĩa lý do nhiều nhân viên y tế nghỉ việc cũng không sai, khi gần 8 tháng trời chưa được nghỉ ngơi ngày nào với mức thu nhập thấp”.
Còn theo Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai, nếu như trong năm 2020 có 597 nhân viên y tế nghỉ việc thì trong 10 tháng đầu năm 2021 đã có tới có 968 người nghỉ việc. Lý do nghỉ việc chủ yếu xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, lý do cá nhân.
Hai năm chống dịch, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tấm gương cán bộ, nhân viên y tế không quản hiểm nguy, tự vắt kiệt sức mình để chiến thắng “giặc” Covid-19. Họ là những “chiến binh” trên mặt trận không tiếng súng nhưng đầy hiểm nguy vì virus SARS-CoV-2 vô thanh vô ảnh, không biết chúng sẽ bất ngờ tấn công lúc nào, nơi nào. Họ đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò người thầy thuốc của nhân dân. Chính vì thế, họ cần được cảm thông, chia sẻ nhiều hơn nữa. Họ cần phải được tiếp sức vì cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn rất cam go, với những diễn biến không thể lường trước.
Chính vì vậy, chỉ đạo của Thủ tướng đối với Bộ trưởng Y tế phải kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM là rất cần thiết, rất quan trọng. Muốn làm được điều đó, Bộ Y tế phải sớm có giải pháp toàn diện với đội ngũ của mình và cũng không thể chần chừ thêm được nữa. Không chỉ y bác sĩ, nhân viên y tế cần điều đó mà đó cũng chính là đòi hỏi của nhân dân.