'Rò rỉ' chất nổ quân sự tại Mỹ - Kỳ 2: Ai là kẻ đánh cắp?

Hà Anh (theo AP) 14/12/2021 11:13

Không phải lúc nào cũng dễ kết tội những tội phạm trộm cắp chất nổ quân sự, nhất là khi những "đạo chích" này là những người nằm trong quân đội, cũng như viện dẫn những lý do vô cùng hồn nhiên.

Một thùng chứa chất nổ quân sự bị đánh cắp vào ngày 5/11/2010, ở Quantico, Virginia. (Hình minh họa AP).

Không dễ kết tội

AP cũng đã lật lại hàng chục cuộc điều tra về chất nổ của Cơ quan Điều tra Hình sự Hải quân và Cơ quan Điều tra Hình sự Quốc phòng. Phần lớn trong số 63 trường hợp này, quân đội không nhận ra bất kỳ sự biến mất của chất nổ cho đến khi có cơ quan nào đó phát hiện ra.

Ví như những gì đã xảy ra vào năm 2018, khi cha của một cựu binh Thủy quân lục chiến thông tin với các nhà điều tra về ngôi nhà ở Colorado của con trai ông. Các nhà chức trách đã phát hiện ra 4 khối chất nổ dẻo C4 được nhét vào trong ủng của cậu con trai và trong túi áo khoác có dây để kích nổ chúng.

Theo hồ sơ tòa án, họ cũng tìm thấy tám quả lựu đạn xuyên giáp 40 mm tại đây.

Các loại "hàng nóng" đến từ căn cứ Tàu ngầm Hải quân Kings Bay ở Georgia. Lực lượng Thủy quân lục chiến trước đây tham gia lực lượng an ninh bảo vệ hạm đội chạy bằng năng lượng hạt nhân ở căn cứ này.

Tại Kings Bay, trong khi một lính Thủy quân lục chiến làm khống giấy tờ thể hiện chất nổ đã được sử dụng để một vài đồng đội mang chúng khỏi căn cứ, hồ sơ cho thấy.

Từ vụ án này cơ quan điều tra đã mở rộng điều tra về các vụ trộm tại căn cứ Kings Bay. Theo hồ sơ điều tra, 50 pound (23 kg) thuốc nổ nhựa đã bị đánh cắp. Các chuyên gia về chất nổ quân sự và dân sự cho biết, nếu ở trong tay của những người được huấn luyện, C4 có thể gây chết người, có thể phá hủy phương tiện hoặc làm hỏng một cây cầu hoặc một tòa nhà.

Tổng cộng, 6 người đã phải lĩnh án trong vụ án này. Tuy nhiên, các cựu quân nhân "cầm nhầm" chất nổ không phải lúc nào cũng phải đối mặt với hình phạt.

Vào năm 2016, cơ quan chức năng tìm thấy 10 pound (5 kg) C4, dây nổ và ngòi nổ trong nhà một người đàn ông ở Pennsylvania. Đây là một cựu sĩ quan Hải quân đã nghỉ hưu 20 năm với quân hàm Trung tá. Tuy nhiên, Công tố viên liên bang đã từ chối thụ lý vụ án với lý do thời hiệu đã hết hạn và đối tượng không cố ý phạm tội.

Tại Florida, một cựu binh Lực lượng Đặc biệt của Quân đội đã được một bồi thẩm đoàn dân sự tuyên trắng án vì tội lấy trộm hộp thuốc nổ TNT, lựu đạn và thuốc nổ. Anh này khai rằng, nhân viên giám sát đã cho phép anh ta lấy chất nổ từ căn cứ Fort Bragg, Bắc Carolina - một tuyên bố mà người giám sát đã phủ nhận.

Trong khi đó, quân đội Mỹ không hề biết về lượng chất nổ đã mất tích trong nhiều năm. Tại phiên tòa, một chuyên gia của quân đội còn đưa ra một bằng chứng giả cho rằng, số chất nổ này đã được sử dụng.

Hình ảnh minh họa về cuộc huấn luyện của Thủy quân lục chiến với chất nổ dẻo tại Trường Kỹ thuật Thủy quân lục chiến ở Trại Lejeune ở Jacksonville, Bắc Carolina. (Hình minh họa AP).

Những đạo trích “trong sáng”

Câu chuyện về việc thu hồi các chất nổ có mục đích ở Trại Lejeune bắt đầu với việc đột nhập vào một ngôi nhà trống của một thanh niên.

Trên kệ quần áo trong phòng ngủ, họ tìm thấy một chiếc ba lô màu đen, bên trong là một chiếc hộp chứa rất nhiều đạn và một loại thuốc nổ mỏng, dễ uốn, có dạng cuộn như giấy gói, dây cầu chì, mìn và các bộ phận của mìn đất.

Theo hồ sơ vụ án, một trung sĩ Thủy quân lục chiến tên là Alex Krasovec đã bỏ lại ba lô chiếc balô này. Là một người hướng dẫn phá dỡ bom mìn tại Trại Lejeune vào đầu năm 2017, anh ta đã lấy trộm lon thuốc nổ khi kết thúc một bài tập huấn luyện.

Việc lấy trộm dễ dàng thực hiện vì đôi khi, quân đội sẽ thu thập chất nổ thừa từ một cuộc huấn luyện và cho nổ tung, thay vì chuyển chúng trở lại kho và điền vào các biểu mẫu bổ sung như là một cuộc dọn dẹp. Vì vậy, thay vì trả lại chất nổ, hoặc làm nổ chiếc lon, Krasovec đã lấy nó.

Krasovec khai với các nhân viên của Cơ quan Điều tra Hình sự Hải quân rằng, anh ta chỉ có ý nghĩ rằng, mang những chất nổ này về nhà ở Ohio để vui chơi, ví dụ như làm nổ tung một số gốc cây.

Tuy nhiên, trước khi anh ta có thể "vui vẻ" với ý tưởng này, một số thanh thiếu niên ở Jacksonville, Bắc Carolina, đã tìm thấy số vật liệu nổ do Krasovec cất giấu. Họ đã lấy và giữ số vật liệu nổ này trong nhà mà không biết được sự nguy hiểm của những đồ vật "nhặt được" kia.

Một phòng kỹ thuật hình sự đã xác định được dấu vân tay của Krasovec trên chất nổ. Khi thẩm vấn anh ta khoảng một năm sau đó, các đặc vụ tình cờ phát hiện một "kẻ trộm" thứ hai, Trung sĩ Travis Glosser.

Là một huấn luyện viên phá dỡ ở Trại Lejeune, Glosser cũng có quyền truy cập đặc biệt với chất nổ dẻo C4.

Một địa điểm ở Jacksonville, Bắc Carolina nơi các nhà chức trách quân sự thu hồi vật liệu nổ quân sự bị một trung sĩ đã đánh cắp từ Căn cứ Thủy quân lục chiến Lejeune. (Hình minh họa AP).

Mùa hè năm 2016, Glosser lo sợ bà Hillary Clinton sẽ đánh bại ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống và xã hội Mỹ có thể tan rã. Vì vậy, anh ta bắt đầu tích lũy chất nổ thừa cho đến khi có được thứ mà anh ấy mô tả là “một số lượng đáng kể” chất nổ C4, với trọng lượng 10 khối, nặng gần 13 pound (6 kg).

“Bạn biết đấy, thế giới ngày nay điên rồ như thế nào. Tôi chỉ muốn bảo vệ gia đình mình trong trường hợp thế giới bắt đầu kết thúc hoặc bất cứ điều gì điên rồ như vậy có thể xảy ra”, Glosser nói với một đặc vụ của Cơ quan Điều tra Hình sự Hải quân vào tháng 6/2018, khi anh ta đầu thú.

Glosser cho biết, sau khi ông Trump giành chiến thắng, anh ta đã cẩn thận chôn chất nổ ngay bên ngoài hàng cây ở sân sau của nhà mình ở Trại Lejeune.

Chúng vẫn ở đó cho đến hơn một năm sau, bắt đầu có tin tức lan truyền về việc Krasovec đang gặp rắc rối với các nhà điều tra và sẽ có một cuộc rà soát vật liệu nổ tồn kho.

Trong lần đầu tiên nói với các nhà điều tra về vụ Krasovec, Glosser cho biết anh ta không biết về bất kỳ lượng chất nổ C4 nào bị đánh cắp nào.

Tuy nhiên, trước khi mặt trời mọc vào sáng hôm sau, anh ta dùng xẻng quân dụng để chôn chất nổ trong khu rừng gần đó. Sau đó đi đến phòng tập thể dục và báo cáo là làm việc.

Cuối ngày hôm đó, Glosser đã tự thú, và khai với những người xử lý bom mìn nơi anh ta đã chôn chất nổ.

Cả Krasovec và Glosser đều phạm tội trộm cắp tài sản quân sự. Mỗi người bị kết án dưới 2 năm biệt giam trong nhà tù quân sự và cả hai đều bị hạ cấp. Krasovec đã bị đuổi khỏi quân đội với lỗi hạnh kiểm kém; Glosser thì đang kháng cáo về trường hợp của mình.

Dưới sự thẩm vấn của nhà chức trách, Glosser khẳng định, anh ta không bao giờ có kế hoạch tàn phá và khẳng định mình không có quan hệ gì với bất cứ lực lượng dân quân nào.

Glosser viết: “Tôi chưa bao giờ có ý định hoặc thậm chí nghĩ đến việc bán, cho, hoặc thậm chí cho ai xem chất nổ. Tôi cũng chưa bao giờ có ý định làm hại bất kỳ ai".

Hà Anh (theo AP)