Cận cảnh: Đại công trường thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 Lê Khánh• 14/12/2021 15:53 Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sau gần một năm khởi công đã gần hoàn thành toàn bộ cọc khoan nhồi dưới lòng sông... Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư khoảng 2.538 tỷ đồng, được khởi công đầu tháng 1/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai II của thành phố Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố.Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, sau gần một năm thi công, các trụ cầu đang lần lượt thành hình. Hiện nay, dự án đã hoàn thành 558/562 cọc khoan nhồi, bên cạnh đó hàng trăm công nhân hối hả thi công các hạng mục bệ thân trụ, bịt đáy đang được thực hiện.Ông Nguyễn Duy Viết Phương, tư vấn trưởng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cho biết, mặc dù thi công trong mùa dịch, tuy nhiên, việc thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khá thuận lợi vì tất cả mặt bằng thi công đã được giải phóng từ trước.“Dù vậy, công trình cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện hạng thi công bệ thân trụ, bịt đáy dưới nước. Bởi trong quá trình thực hiện thi công có thể xảy ra một số khó khăn như điều kiện thời tiết, mùa nước có thể lên xuống khác nhau. Nhưng chúng tôi cũng đã lường trước được nhưng khó khăn đó nên cơ bản không có vấn đề gì xảy ra. Đơn vị sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạng mục này từ nay đến tháng 4 năm sau, trước khi mùa lũ phải hoàn thành” - ông Phương nói.Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương bốn làn xe.Trên công trường hiện có 11 đơn vị nhà thầu chia làm 11 mũi thi công. Tổng số cán bộ kỹ thuật, công nhân thi công trên toàn bộ mặt bằng công trường là hơn 500 người.Theo ghi nhận của PV, hàng trăm công nhân đang hối hả thi công hạng mục đan sắt để chuẩn bị tiến hành đổ bê tông.Hiện nay, một số mặt cầu đã được đổ bê tông.Sau khi mặt cầu được đổ bê tông, công nhân sẽ sử dụng các bao tải đã được nhúng nước trải đều trên bề mặt, giúp bê tông có độ bền cao hơn.Tuy nhiên, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công thì công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường cũng được thực hiện nghiêm ngặt theo nguyên tắc “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” và bảo đảm giãn cách trong quá trình thi công.Để thi công được phần cầu chính vượt sông, các nhà thầu phải dùng nhiều sà lan làm đường nổi, huy động máy xúc, cần cẩu ra khoan đào ở lòng sông, sau đó đóng cọc cừ xung quanh phạm vi đổ trụ.“Hiện nay chúng tôi đang cố gắng phấn đấu thi công xong tất cả các hạng mục bệ thân trụ dưới lòng sông trước tháng 4/ 2022 và đến tháng 6/2022 sẽ tiếp tục thi công hạng mục kết cấu phần trên. Bên cạnh đó, cố gắng hoàn thành tiến độ dự án, thông xe trong năm 2023” – ông Phương cho biết thêm. Lê Khánh