Nhà văn Tống Ngọc Hân: Mỗi lần 'leo núi' là mỗi lần thử sức
Nhà văn Tống Ngọc Hân đi nhiều, viết nhiều. Chị nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết về đề tài miền núi phía Bắc và “ăn lộc” khá nhiều từ văn chương. Song, mọi thứ đều đến từ tình yêu văn chương bền bỉ và thậm chí, phải đắm vào đời sống để sáng tác của chị.
Xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí, trước đây tôi thầm nghĩ, Tống Ngọc Hân đang “vét” hết vốn liếng của mình để viết. Sau nhiều năm, tôi vẫn thấy chị xuất hiện và đều đặn lĩnh giải thưởng. Lúc này, tôi và chắc lẽ nhiều nhà văn khác đều công nhận, môi trường và sự dấn thân đã cho chị sự sung sức, bền bỉ để đi con đường dài. Tống Ngọc Hân vừa xuất bản tập truyện ngắn “Thủy Hồ”. Chị chia sẻ: “Tôi không chọn toàn bộ những truyện tạm gọi là hay nhất cho “Thủy Hồ”. Qua tập truyện này, tôi mong muốn được bạn đọc biết đến phương ngữ vùng đất tôi đang sống, trong đó có cả những cổ ngữ mà tôi mạnh dạn đưa vào tác phẩm”.
Tất nhiên, không phải đến đây phương ngữ vùng và văn hóa vùng núi mới trở nên lung linh trong tác phẩm của chị, mà nó đã có từ tấm bé, khi chị mới được tiếp xúc với văn chương. Văn hóa vùng núi phía Bắc, trong tác phẩm của Hân chính là “đời sống của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc”. Đương nhiên là cả đời sống vật chất và tinh thần. Và như thế, văn hóa vùng núi phía Bắc bao trùm phần lớn số tác phẩm văn chương của chị. 20 năm chị thở bầu không khí ấy, uống mạch nguồn nước ấy, buồn vui trong xã hội miền núi ấy, thì văn chương của chị có lẽ nào lại thuộc về một miền đất khác. Cho nên, không phải là tác động, mà là sự ngấm sâu, hòa quyện. Hân không chỉ chờ đợi ở sự tác động tự nhiên, mà với lòng biết ơn sâu sắc, chị chủ động tìm cách đưa chất liệu văn hóa tộc người vào tác phẩm.
Nữ nhà văn chia sẻ thêm: “Tôi mày mò gom nhặt, lắng nghe, sưu tầm và nỗ lực kiến giải từng nét văn hóa bằng những nhân vật cụ thể, có số phận, có tính cách cụ thể. Tại sao có những phong tục đẹp đẽ thì ngày càng mai một? Tại sao có những hủ tục cần phải loại bỏ vì không còn phù hợp nhưng vẫn được duy trì? Đó là những nghịch lý, những phức tạp trong đời sống của đồng bào mà chừng nào còn khó khăn, nghèo khổ, còn lạc hậu thì nghịch lý còn xảy ra”.
Mỗi người viết thường có một vùng đất sáng tạo của mình và mong mỏi vùng đất ấy trở nên tươi đẹp hơn. Tống Ngọc Hân muốn cậy nhờ văn chương tác động trở lại đời sống của đồng bào miền núi để cuộc sống ấy đẹp đẽ hơn, giàu có hơn. Chị muốn nhờ văn chương lưu giữ những giá trị văn hóa miền núi, để những thế hệ sau có thể tìm thấy, biết đến những giá trị đó dễ dàng. Đọc một truyện ngắn luôn dễ hơn đọc một công trình nghiên cứu, đó là lợi thế của ngôn ngữ văn chương, tác phẩm văn chương. Để được độc giả tin tưởng vào những kiến thức mà mình đúc kết, trình bày trong tác phẩm, nhất là tác phẩm viết về miền núi, thì nhà văn, ở một góc độ nào đó, còn phải là một nhà văn hóa trong phạm vi đề tài anh khai thác.
Tôi từng hỏi, có vẻ chị hưởng rất nhiều lộc từ văn? Tống Ngọc Hân cười, bảo: “So với các bạn viết khác, tôi gặp khá nhiều thuận lợi trong việc thu hút độc giả cũng như đạt thành tựu từ các cuộc thi văn chương. Tuy nhiên, giải thưởng văn học hay bất cứ thành tựu nào trong cuộc sống, đều có được sau một quá trình. Có gieo mới có gặt. Muốn gặt nhiều thì phải gieo nhiều và đầu tư tâm huyết để chăm sóc cho “cánh đồng” mình đã chọn. Những giải thưởng văn chương, nhìn từ phía người sáng tác, được ví như ngọn núi, những “nhà leo núi” nếu chỉ nhăm nhăm lên đỉnh để giật giải thì e là khó mà có được. Vì thường thì “dục tốc bất đạt”. Với tôi, mỗi lần “leo núi” là một lần thử sức, xem năng lượng trong mình còn được bao nhiêu. Cũng có những cuộc thi tôi tay trắng đấy chứ, hoặc giải rất thấp, nhưng chẳng bao giờ mảy may buồn”.
Đi thi có người đạt giải, và không. Đã là nhà văn thì không thể không mong một ngày nào đó, mang tác phẩm dự thi và đạt giải. Và lộc văn chương thì thường không chỉ rơi mãi vào một ai. Nhà văn là thư ký của thời đại mà lười biếng thì thật chả nên. Rất nhiều cây bút sau khi giật giải cao ở một cuộc thi văn chương thì đã im hơi lặng tiếng, thậm chí mất hút. Nhưng họ vẫn được tôn vinh bởi một câu nói bất hủ “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.
Khi đọc những truyện ngắn của Tống Ngọc Hân, sẽ thấy chị nâng niu những nhân vật của mình thế nào. Chị tâm sự: “Không có những viên ngọc chói sáng, tròn trịa, nhân vật tôi rất đời, đầy khiếm khuyết, thậm chí cả những sai lầm tưởng chừng không thể tha thứ. Nhưng tôi luôn có cách để họ xuất hiện với những phẩm giá, họ thật sự đáng yêu, đáng thương, đáng được tha thứ và ai cũng được trao cho cơ hội làm lại. Tôi dùng ngòi bút dẫn dắt độc giả đi qua những thói thường yêu ghét, xui khiến họ cảm thông với nhân vật. Chính vì thế, nhân vật của tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, an ủi động viên, khích lệ từ người đọc. Và hiển nhiên, những con người có cảnh ngộ, số phận giống như nhân vật của tôi đều có cảm giác chính mình đang nhận được sự cảm thông từ cộng đồng”.
Không ít lần nhà văn Tống Ngọc Hân nhận được những phản hồi tích cực từ người đọc, họ tự nhận họ giống như nhân vật của chị. Và cũng không ít độc giả đề nghị chị kể về cuộc đời họ. Với chị, niềm yêu thương, cảm thông và sự tin tưởng tự nguyện của nhà văn đối với nhân vật của mình chính là sẻ chia. Hẳn, nhiều nhà văn cũng đã, đang nghĩ và làm như chị. Yêu văn chương, đắm đuối với đề tài, vùng đất của mình, nhà văn Tống Ngọc Hân đã góp phần làm đẹp vùng đất mà chị yêu. Và không thể phủ nhận, chị đã có nhiều đóng góp cho nền văn chương nước nhà. N
Nhà văn Tống Ngọc Hân.
Box
Nhà văn Tống Ngọc Hân sinh ngày 2/9/1976, tại xã Đông Lĩnh huyện Thanh Ba, Phú Thọ, hiện sống ở Tam Nông, Phú Thọ. Chị là tác giả của 15 tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Chị cũng là tác giả của nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật thiểu số Việt Nam; Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Lào Cai (2011- 2012); Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2013-2014); Giải thưởng cuộc thi viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống; Giải thưởng cuộc thi viết về đề tài Nông thôn đổi mới; Giải thưởng Cây bút vàng 2017; Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Những làn gió Tây Bắc (2019); Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Nhà văn và tác phẩm (2020)…