Chơi chợ Đông Hà

VŨ THẾ LONG 14/12/2021 16:33

Công việc bận rộn mãi đến cuối đợt công tác tôi mới dành được thời gian để đi thăm chợ Đông Hà. Với tôi, chợ Đông Hà như là một trong những chợ hình mẫu để tìm hiểu các sản vật ẩm thực của miền Trung.

Một góc chợ Đông Hà.

Hôm ấy, tôi dành cả một ngày cùng Hoàng - dân miền Trung chính gốc đi tìm hiểu chợ Đông Hà (Quảng Trị). Với Hoàng thì mọi sản vật ở đây đã quá quen thuộc nhưng với tôi, một người từ Hà Nội vào thì cái gì cũng khác lạ.

May quá, có Hoàng dẫn lối và chỉ bảo nên cái gì không biết là hỏi liền. Thoạt đầu, Hoàng dẫn tôi đi vòng một lượt qua khu bán rau, bán cá, hoa quả. Mọi sản vật ở đây có những nét đặc sắc mà không phải nơi đâu cũng có.

Tôi nhanh chóng nhận ra những củ trông giống củ hành nhưng không phải là hành. Nó chỉ nhỉnh hơn củ kiệu đôi chút mà dân ở miền Trung gọi là củ nén. Nấu canh chua với cá mà không có củ nén thì dân Quảng Trị coi như lạc điệu. Ngoài củ nén, trong số các đồ nấu ở đây còn có mít non và nhút muối. Những thứ đó đố ai có thể tìm thấy ở chợ Hôm hay chợ Bắc Qua (Hà Nội) dầu rằng dân Hà Nội ngày nay có nhiều người gốc miền Trung rất thèm ăn những thứ đặc sản ấy.

Nhút Thanh Chương.

Có lần tôi cùng vợ chồng bác sĩ Huy Nga người Hà Tĩnh đi thăm Thanh Chương (Nghệ An). Khi về, chị Thủy vợ anh - con gái Bắc Ninh - cố công tìm cho bằng được một lọ nhút Thanh Chương mang về chiều chồng ăn dần. Lạ nhỉ? Sao người miền Trung sống ở Thủ đô không tự làm món nhút để ăn? Hà Nội thiếu gì mít cơ chứ? Nghe người ta bảo họ ngại khoe món đó vì thời xưa, ăn nhút bị coi như là người rất nghèo. Nghèo đến nỗi ăn cả xơ mít. Kể cũng lạ. Một đặc sản sao lại coi là “hèn kém” chỉ vì người khác cho rằng thứ ấy là đồ bỏ đi. Xưa kia mời ăn cơm nhà, người ta khiêm tốn nói: “Hôm nay em mời bác ở lại dùng bữa cơm rau cơm dưa với nhà em”… Coi rau dưa là thứ xuyền xoàng thanh đạm. Nay vào nhà hàng sang trọng, rau dưa, canh cua quả cà là một thứ sang chứ không còn giữ “thế” thấp như xưa nữa. Chỉ lạ một nỗi cái món nhút và xơ mít nấu của miền Trung ấy sao nó không lọt nổi vào mâm cỗ, bàn tiệc của người Hà Nội.

Một thứ rau củ khác khá phổ biến ở chợ miền Trung là các loại khoai môn và dọc khoai. Tạt qua một vòng tôi được mời chào những củ khoai môn còn nóng bở tơi. Củ thì ruột vàng, củ thì ruột tím, với nhiều hương vị khác nhau. Dọc khoai cũng có nhiều loại dùng để nấu canh. Có cả dọc mùng muối chua, món ăn mà chợ Hà Nội không thấy bán.

Món bánh bèo.

Dân miền Trung sống gần biển nên ngoài chợ có rất nhiều thứ rau và gia vị để dùng cho việc nấu chung với các loại tôm cá cua, mực. Trái ớt thì đi đâu trên đất nước này cũng có nhưng có lẽ chỉ ở chợ miền Trung người ta mới bán một loại ớt xanh, loại ớt có màu xanh nhạt vị cay đặc biệt to bằng ngón tay và loại ớt chỉ thiên nhỏ hơn màu xanh đậm mà bà con hay gọi là ớt mọi (ớt có gốc trên rừng trên núi của đồng bào vùng cao). Vị ớt xanh và ớt mọi ở đây nó cũng khác với nhiều giống ớt tôi đã từng ăn. Người ta cho ớt xanh vào kho cá và quả là nồi cá kho có một vị cay, thơm đặc biệt.

Dân Quảng Trị cũng ăn nhiều rau sống, rau sống bán ở chợ cũng nhiều loại khác nhau. Tôi không thấy có húng Láng đúng kiểu húng Láng (Hà Nội) nhưng các loại húng lá xoăn có vị bạc hà, một loại biến dạng từ rau húng Láng thì đâu cũng có. Người ta bảo cũng cây húng ấy, nếu trồng ở làng Láng hay một số vùng đất quanh Hà Nội có cùng thổ ngơi, khí hậu thì nó ra loại húng lá tròn, nhẵn, đem trồng nơi khác thì lá xoăn lại và có vị bạc hà. Chẳng biết có đúng không.

Trên đĩa rau sống của dân Quảng Trị ta còn thấy có quả cà sống, cà chua xanh bổ tư bổ sáu, chuối chát thái lát từ một loại chuối hột chứ không phải chuối tiêu như dân Bắc, rau cải mầm để nhú hai lá, hoa chuối thái mảnh và trái vả thái lát để ăn cùng mắm nêm. Rau sống và mắm nêm là thứ thường dược dọn ra trong mâm đầu tiên trước khi dọn các món khác lên mâm.

Đến khu chợ cá thì đủ loại. Hồi nhỏ theo mẹ đi chợ Đuổi (Hà Nội), mẹ tôi chỉ mua có vài loại cá như cá chép, cá quả, cá rô, lươn, ốc… Mẹ bảo ăn cá bể, cá mè thì độc. Mẹ bảo thì biết vậy. Vì thế, tôi không biết gì nhiều về các loài cá biển. Hình như nhiều người dân sống ở đồng bằng Bắc Bộ cũng có cùng tập quán ấy. Người ta ngại ăn đồ biển và những loài thủy sản lạ dầu rằng nó rất ngon và bổ. Cũng có thể vì bấy giờ điều kiện giao thương và kinh tế còn thấp kém nên dân đồng băng Bắc Bộ ít biết đến các món ăn tôm cá từ biển so với dân miền Trung và Nam Bộ.

Sau này đi công tác địa phương sống với bà con dần dần tôi mới biết đến các lọai cá biển khác nhau hương vị nó ra làm sao và cũng chẳng thấy độc gì cả. Tôi đâm ra thích ăn mọi loại đồ biển vị cay, nóng hơn là ăn thịt hay cá nước ngọt mà mẹ tôi cho rằng ăn những thứ ấy mới lành.

Ớt xanh.

Cá ở chợ Quảng Trị cũng đủ loại. Từ cá thu, cá hồng cho đến cá nhám, cá đuối, tôm, mực, sò ốc, hến… Lạ nhất là ở một góc chợ cá tôi thấy người ta bán những con ốc nhỏ xíu tròn và dẹt như một chiếc cúc áo nhỏ. Giống vật này ngoài vỏ có những hoa văn hình học rất đẹp, có thể xâu lại làm thứ đồ trang sức. Vậy mà người ta vẫn luộc đem bán làm một thứ quà vặt. Tôi cũng không kịp tìm hiểu xem người ta làm thế nào để nhể được cái ruột ốc nhỏ tí teo này và chẳng biết vị của nó ra làm sao. Chỉ biết rằng nó rất nhỏ.

Vào khu bán mắm thì đủ loại mắm khác nhau. Có lẽ miền Trung là nơi sản xuất ra nhiều chủng loại mắm có gốc hải sản đặc biệt trong cả nước. Nào là mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm chua, mắm dạm, mắm cái… Nhiều loại tôi chưa hề được nếm nên chẳng biết ra sao. Nếu cất công tìm hiểu thì rất có thể các loại mắm ở miền Trung đủ “chất liệu” để làm một công trình khoa học có giá trị.

Ở khu bán hoa quả thì phong phú nhất vẫn là chuối. Chuối ở miền Trung đa dạng hơn chuối ở Hà Nội. Hoàng giới thiệu với tôi tên các loại chuối mà tôi không sao nhớ hết. Nào là chuối sáp, chuối lá, chuối hột, chuối mật… Riêng quả chuối được gọi là chuối tiêu trong này nó có phần dài hơn và không giống như chuối tiêu ngoài Hà Nội.

Ngoài chuối, trong chợ còn có dừa và nhiều thứ quả đem từ trong Nam ra ngoài Bắc vào như quả bơ, dứa, mãng cầu, chôm chôm, vải, nhãn, thanh long, đu đủ… mà ngày nay đi khắp các chợ từ Nam đến Bắc ta đều thấy đủ cả.

Cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở khu hàng quà và gọi vài món bánh như bánh bèo, bánh nậm, bánh khoái, bánh bột lọc… Mỗi loại bánh lại đi kèm với một thứ nước chấm riêng và kết thúc bằng một tô bún bò giò heo. Quả thật bún bò giò heo và một vài loại bánh này đã tạo nên một lối ăn quà đậm đà của khúc ruột miền Trung. Hoàng bảo tôi: “Còn nhiều món ngon lắm. Hay anh dùng thêm một tô cơm hến?”.

Bụng đã lưng lửng, tôi trả lời: “Thôi em, để cho anh đọng lại cái vị ngon đầu lưỡi nhé, ăn phải thòm thèm nó mới ngon. Anh em mình sẽ còn nhiều dịp để ăn cho biết bao món ngon của xứ này”.

VŨ THẾ LONG