Vươn tới những vì sao

QUANG NGỌC 14/12/2021 19:00

Sau 3 lần tạm dừng phóng vì lý do kỹ thuật và thời tiết, ngày 9/11/2021, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam được phóng thành công lên vũ trụ từ bãi phóng Uchinoura (Nhật Bản).

Các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu chế tạo vệ tinh MicroDragon .

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được các nhà khoa học của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cùng Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển.

Ngày 9/11/2021, khi NanoDragon lên bệ phóng, thời tiết ở tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) nơi diễn ra việc phóng vệ tinh MicroDragon ấm áp, trời nắng, không mưa, nhiệt độ 15 độ C.

7h50’, tên lửa đẩy Epsilon số 5 đưa NanoDragon cùng 6 vệ tinh khác của Nhật Bản lên vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ Uchinoura. 1h5’ sau khi phóng lên vũ trụ, Dragon tách khỏi tên lửa đẩy trên bầu trời Cuba. Hơn 1 ngày sau trạm mặt đất đã có thể thu nhận những tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh. Sau khoảng thời gian hoạt động thử nghiệm từ 1 đến 3 tháng trên vũ trụ, vệ tinh sẽ vận hành ổn định.

Vệ tinh NanoDragon do đội 36 thạc sĩ Việt Nam theo học chuyên ngành hàng không vũ trụ tại 5 trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản, thiết kế từ năm 2013, hoàn thành lắp ráp chế tạo, thử nghiệm vào tháng 9/2017. Quá trình thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các chuyên gia Việt Nam.

Vệ tinh sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560km, được kỳ vọng sẽ có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển…

NanoDragon là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam và là một sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển vệ tinh nhỏ “Made in Vietnam” nhằm thực hiện Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/2/2021.

Trước đó, vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.

Với việc phóng thành công vệ tinh NanoDragon do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế, chế tạo, đánh dấu bước tiến mới trên con đường dần làm chủ công nghệ vệ tinh của quốc gia. Nói như ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), thuộc Viện Hàn lâm và Công nghệ Việt Nam thì có những vệ tinh phải hủy phóng nhiều lần vì những nguyên do khác nhau, điều này cũng là bình thường. Vì một vệ tinh có giá từ vài chục triệu USD đến vài trăm triệu USD, nếu để xảy ra sai sót dù rất nhỏ cũng có thể phá hủy cả khối tài sản lớn, nhiều công sức, trí tuệ. “Trên con đường làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, mục tiêu chúng tôi là tiến từng bước vững chắc. Đầu tiên là tạo ra một thứ cơ bản, an toàn, sau đó mới tới nhiệm vụ lớn hơn”.

Chinh phục vùng không gian thứ 5 của người Việt Nam đang dần thành hiện thực. Theo lãnh đạo VNSC, không gian thứ 5 là không gian vũ trụ, ngoài những không gian vùng đất, vùng biển, vùng trời, vùng mạng.

Ông Vũ Việt Phương - Phó Tổng giám đốc phụ trách khối công nghệ chế tạo, cho biết dù phải hoãn phóng nhiều lần và chờ đợi kết quả cuối cùng trong không gian, nhưng có thể nói NanoDragon đã vượt qua các bài thử nghiệm môi trường cuối cùng tại Nhật đã đánh dấu những thành công nhất định trên con đường tự chế tạo vệ tinh.

Trước đó NanoDragon, 2 vệ tinh của VNSC “made in Vietnam” đã phóng thành công là PicoDragon được chế tạo năm 2011 - 2013 và MicroDragon năm 2013 - 2018.

Vì sao lại có tên “Dragon”? Lãnh đạo của VNSC giải thích: Năm 2010, khi làm vệ tinh đầu tiên cũng đúng năm Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Người ta đã lấy tích kỷ niệm này để gắn cho các dòng vệ tinh, một cái tên ý nghĩa “Rồng Việt Nam bay lên”. Từ đó, tất cả vệ tinh dù loại nào cũng đều được gắn với tên rồng: Dragon.

Với vệ tinh thứ nhất, PicoDragon được phát triển khi VNSC mới thành lập. Nhóm nghiên cứu là những người cùng chung khát vọng. PicoDragon là vệ tinh cỡ siêu nhỏ, chỉ nặng 1kg. Nhiệm vụ cũng khá đown giản là chụp ảnh trái đất, đo đạc các thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ từ các cảm biến gắn trên vệ tinh, thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. PicoDragon được phóng thành công vào quỹ đạo ngày 19/11/2013 từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Tiếp sau PicoDragon là MicroDragon, vệ tinh này đã đưa VNSC tiến lên một mức cao hơn. Việc chế tạo MicroDragon với khối lượng 50kg có độ khó, phức tạp hơn rất nhiều so với PicoDragon. MicroDragon được phóng thành công lên quỹ đạo bằng tên lửa Epsilon 4, tại bãi phóng Uchinoura của Nhật vào ngày 18/1/2019.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam.

Và lần này là NanoDragon. Sau thành công của NanoDragon, VNSC dự định nghiên cứu, chế tạo vệ tinh lên đến 180kg.

Nghiên cứu chế tạo vệ tinh vũ trụ được cho là đặc quyền của nam giới. Vì thế cũng thật ngạc nhiên khi trong nhóm phát triển NanoDragon có một người phụ nhữ. Đó là thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo. Chị tâm sự: “Nhiều người ở quê khi nghe tôi làm ở Trung tâm Vũ trụ thì cho rằng thật khó tin. Tôi đã có 9 năm trong ngành, tôi chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình. Dù mức độ công việc khó nhưng cũng như các nghề khác, mỗi công việc đòi hỏi chuyên môn riêng. Tôi thấy trái tim mình như sống cùng vệ tinh khi bay vào vũ trụ”.

Được biết, sau khi được tuyển dụng vào trung tâm, Nguyễn Thị Thảo được chọn trong nhóm 36 cán bộ đi Nhật học khóa thạc sĩ. Nhóm được chia làm ba đợt, mỗi đợt 12 cán bộ. Đợt đầu sang Nhật chỉ có Nguyễn Thị Thảo là cán bộ nữ duy nhất, học chuyên ngành chế tạo vệ tinh.

“Công việc luôn có những thử thách để vượt qua, khoa học vũ trụ luôn kỳ bí và lôi cuốn người làm dù là nam hay nữ. Vệ tinh đặc biệt hơn, nó phục vụ cuộc sống con người hằng ngày chứ không xa xôi như người ta vẫn nghĩ” - Nguyễn Thị Thảo nói.

Cũng như Nguyễn Thị Thảo, các cán bộ của VNSC đều chung khát vọng chinh phục vũ trụ, vươn tới những vì sao. Cho dù Việt Nam không phải là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, nhưng chúng ta đã và đang nỗ lực hết mình, để không chỉ “thưởng thức vũ trụ” từ những bộ phim khoa học giả tưởng đến từ Hollywood. Thành công của lần phóng vệ tinh NanoDragon lần này càng khẳng định trí tuệ lẫn khát vọng của người Việt Nam.

Kể từ năm 1980 khi Anh hùng Phạm Tuân - phi công vũ trụ Châu Á đầu tiên bay vào không gian, ngành công nghiệp vũ trụ của Việt Nam đã có những bước phát triển lớn. Năm 2008, Việt Nam phóng VINASat-1, vệ tinh viễn thông đầu tiên vào không gian. Năm 2013, VNREDSat-1, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên được phóng và dù thời hạn đã hết nhưng vẫn đang hoạt động tốt trên quỹ đạo. Cùng năm 2013, PicoDragon - vệ tinh nhỏ đầu tiên do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) tự chế tạo tại Việt Nam đã được đưa lên hoạt động thành công ngoài không gian. Tháng 12/2018, là vệ tinh MacroDragon. Tháng 11/2021 là NanoDragon. Từ nay đến năm 2023, dự kiến Việt Nam sẽ phóng vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 “Made in Vietnam” hoàn toàn do người Việt chế tạo, tích hợp và thử nghiệm.

Theo ông Kobayashi Ryutaro (Văn phòng JICA Việt Nam), Việt Nam là đất nước có chiều ngang hẹp và trải dài theo trục Bắc/Nam với các điều kiện khí hậu và địa lý khác nhau. Vấn đề cấp bách của Việt Nam là cần xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng nhằm thu nhận liên tục các dữ liệu cảm biến từ xa thông qua vệ tinh để quản lý thiên tai, nhờ đó tăng cường và thiết lập được hệ thống cảnh báo sớm giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, đồng thời quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường của quốc gia.

Việc sử dụng vệ tinh quan sát từ trên cao là rất cần thiết, đặc biệt khi Việt Nam được xác định là quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày một dữ dội. Hiện nay muốn chụp ảnh một khu vực nào đó chúng ta phải đặt hàng nước ngoài và ít nhất 2 ngày mới nhận được. Còn nếu chúng ta có vệ tinh quan sát Trái đất riêng, mọi việc sẽ được hoàn tất chỉ trong vòng 6 - 12 giờ đồng hồ. Việc có vệ tinh riêng cũng giúp cho Việt Nam chủ động về dữ liệu trong các tình huống khẩn cấp, giảm bớt thiệt hại, góp phần bảo đảm cuộc sống an toàn và sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

QUANG NGỌC