Đào tạo đón đầu tương lai
Để thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, cần phải coi việc phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Đây là ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp về “Một số chủ trương, định hướng chiến lược phát triển GDNN và khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các chuyên gia về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ cho đào tạo nghề” do Tổng cục GDNN, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội tổ chức.
Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục GDNN Trương Anh Dũng, trong xu hướng tự động hóa, số hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để tăng năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, cần thiết phải có chiến lược tổng thể cho GDNN phát triển trong giai đoạn tới. Hiện Bộ LĐTBXH đang xây dựng một chiến lược và dự kiến trong tháng này sẽ trình Thủ tướng phê duyệt ban hành. Trong đó, đặt mục tiêu quy mô GDNN nâng lên gấp 2 - 3 lần so với hiện nay.
Hiện nay, hệ thống GDNN có 1.908 trường và trung tâm đào tạo. Trong đó, có khoảng 900 trường cao đẳng và trung cấp, còn lại là hơn 1.000 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên.
Về quy mô đào tạo, hiện nay mỗi năm tuyển sinh mới 2,2 triệu người. Nhưng trong số 2,2 triệu tuyển sinh mới này chỉ có 1/4 là trình độ cao đẳng và trung cấp đào tạo chính quy trong các nhà trường. 3/4 còn lại là diện đào tạo thường xuyên, đào tạo trình độ sơ cấp. Theo tính toán, nhân lực đã qua đào tạo hiện mới đạt 24,6% theo chiến lược - một tỷ lệ vẫn còn thấp so với nhiều quốc gia khác.
Theo ông Dũng, một trong những mục tiêu của chiến lược là bắt kịp, đi cùng và thậm chí vượt lên trên các nước phát triển. Cụ thể là đào tạo những ngành nghề, kỹ năng tương lai để chuẩn bị cho phát triển kinh tế trong tương lai. Dự kiến thời gian tới sẽ có kế hoạch đào tạo khoảng 20 ngành nghề, kỹ năng phục vụ cho tương lai, là những ngành nghề mà trong thị trường lao động hiện nay có thể chưa có.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN), cho hay trong bối cảnh hiện nay, điều mà hệ thống GDNN hướng tới không chỉ là theo kịp các nước mà phải có một số lĩnh vực ngành nghề đi trước. 20 ngành nghề đang dự kiến đào tạo là xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ đặt ra.
Góp ý cho chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cho biết, dù có đưa hàng loạt các giải pháp nhưng năng lực của giáo viên trong công tác đào tạo vẫn chưa đạt được mức chuẩn. Cần đẩy mạnh giáo dục tiếng Anh trong đào tạo nghề, để giáo viên có thể đọc được thông số, thông tin. “Ngân sách thì ít, cần tập trung vào, không chỉ cho giảng viên mà ngay cả cho sinh viên, học viên, nâng cao năng lực tiếng Anh” - PGS Lê bày tỏ.