Gỡ vướng cho nhà đầu tư Nhật Bản

THANH GIANG 15/12/2021 07:30

“Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục loại bỏ các yếu tố gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa chính quyền và doanh nghiệp, thúc đẩy tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Đó là kiến nghị của ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) tại TP HCM trong buổi Kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn tròn Nhật Bản tại TP HCM do UBND thành phố tổ chức ngày 14/12.

Theo UBND TP HCM, tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 63,94 tỷ USD. Quy mô dự án bình quân của Nhật Bản là 13,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 11,7 triệu USD/dự án. Tại TP HCM, đến cuối tháng 11/2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản là 3.218 dự án. Tổng vốn đầu tư đạt 7,419 tỷ USD, đứng vị trí thứ 4/116 quốc gia/vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn. Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; kinh doanh bất động sản; vận tải kho bãi; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; giáo dục và đào tạo;…

Nói về môi trường đầu tư của TP HCM, ông Mizushima Kozo cho rằng, thành phố có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư quốc tế nói chung. Đơn cử, đối với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, thành phố cung cấp nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương nhìn chung vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, thành phố đang trở thành thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với nhà đầu tư với quy mô dân số lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ,...

Tuy nhiên, ông Mizushima Kozo cũng chỉ ra điểm bất lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài của TP HCM trong thời gian sắp tới, đó chính là sự cạnh tranh gay gắt để có được nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các doanh nghiệp. Điều này sẽ đẩy mức lương tăng cao, giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục loại bỏ các yếu tố gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa chính quyền và doanh nghiệp, thúc đẩy tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ghi nhận những đóng góp của các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, thành phố có được thành tựu phát triển mạnh mẽ, trở thành đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, đóng góp hơn 22% vào GDP và hơn 26% vào ngân sách quốc gia thì nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng. FDI đã trở thành động lực, tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Riêng đối với dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào thành phố có sự tăng trưởng ấn tượng, sắc nét, tích cực, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19. Điều này thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Nhật Bản vào sức hút của thị trường Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng. Đây cũng là cơ hội tốt để hai bên tiếp tục mở rộng và hợp tác đầu tư trong bối cảnh mới.

THANH GIANG